Kết quả kiểm tra cho thấy, hệ thống được bảo mật ở mức độ an toàn cao nhất, không để xảy ra việc rò rỉ, mất cắp dữ liệu.
"Dữ liệu cá nhân bị rò rỉ không liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân của Bộ Công an đang triển khai" - Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh.
Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng đang vào cuộc xác minh thông tin liên quan vụ việc rao bán gói dữ liệu thông tin cá nhân này.
Khuyến cáo người dân hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, Bộ Công an đã giao các đơn vị chức năng tổ chức đấu tranh, làm rõ các đường dây mua bán, chiếm đoạt dữ liệu về thông tin cá nhân tại Việt Nam; tập trung đấu tranh, vô hiệu hóa các hệ thống, trang web cung cấp dịch vụ xác định số điện thoại đăng ký tài khoản mạng xã hội liên quan đến việc mua bán trái phép dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; bên cạnh đó khởi tố bị can đối với Lại Thị Phương (Giám đốc Công ty VNIT TECH, có trụ sở tại Ba Đình, Hà Nội) và chồng là Dư Anh Quý, về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Liên quan vụ án này, trước đó, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã phối hợp với Công an các địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Long An, Đồng Nai... tổ chức khám xét khẩn cấp các địa điểm, áp dụng biện pháp tố tụng đối với các đối tượng liên quan, vô hiệu hóa 6 đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định các đối tượng đã thu thập, chiếm đoạt, mua bán, sử dụng trái phép gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc là: khách hàng điện lực; phụ huynh, học sinh tại các trên cả nước; khách hàng của nhiều ngân hàng, trong đó có các ngân hàng lớn nhất Việt Nam; thông tin đăng ký kinh doanh, nhân sự cơ quan nhà nước, bảo hiểm, hộ khẩu; dữ liệu viễn thông, thuê bao điện thoại của các nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam; thông tin khách hàng tại các dự án bất động sản trên toàn quốc; khách hàng điện máy trên toàn quốc; thông tin của khách hàng VIP, khách hàng đầu tư tài chính, chứng khoán, khách hàng các ngành spa, nha khoa, thời trang, thẩm mỹ viện... Những dữ liệu này bị rao bán công khai thông qua nhiều trang web, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram, diễn đàn tin tặc...
Các dữ liệu này được các đối tượng thu thập từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương thức khác nhau, đáng chú ý là lợi dụng quyền quản trị hệ thống thông tin tại một số cơ quan, doanh nghiệp để trích xuất dữ liệu. Quá trình điều tra, các đơn vị nghiệp vụ đồng thời đã phát hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp (bảo hiểm, trung tâm ngoại ngữ, bất động sản…) mua dữ liệu với số lượng lớn từ các đối tượng để sử dụng trái phép nhằm thu lợi bất chính. Có dấu hiệu về sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với thông tin, dữ liệu cá nhân về khách hàng do mình quản lý.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, để bảo vệ, quản lý thông tin cá nhân, Bộ Công an đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, biện pháp phòng, chống thu thập, khai thác thông tin cá nhân. Bộ cũng khuyến cáo người dân hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng, đặc biệt là thông tin nhạy cảm như: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà ở, thông tin gia đình... Trong trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cá nhân thì xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, yêu cầu cơ quan, tổ chức đó không được cung cấp thông tin cho bên thứ ba khác.