Phóng viên báo Tin Tức đã ghi nhận liên tục trong hai ngày 17, 18/1 tại ga Sài Gòn cho thấy có khoảng hơn 10 “cò" vé đứng, ngồi ngay trước cổng và điều khiển xe máy vào tận trong khuôn viên ga Sài Gòn để chèo kéo hành khách mua vé.
Khi chúng tôi vừa chạy xe vào cổng, một trong bốn người phụ nữ ngồi trước cổng ga liền hỏi lớn: “Mua vé tàu không em?”. Ngay lập tức, chúng tôi giảm tốc độ và dừng xe lại, người phụ nữ nói trên nhanh nhảu chạy lại gần và nói tiếp: “Vé đi từ đây ra ngoài Bắc mấy ngày giáp Tết trong nhà ga bán hết rồi, không còn nữa đâu. Muốn mua thì chỉ chị mới có vé thôi. Đi tỉnh nào, ngày nào đều có hết, khỏi lo, đừng vô trong đó chi mất công”.
Chúng tôi cho biết có nhu cầu đi tỉnh Thanh Hoá ngày 26 tháng Chạp, người phụ nữ liền gọi điện thoại cho một người nào đó và một lúc sau “tuyên bố” vé đi Thanh Hoá còn. “Giá là 1, 3 triệu đồng cho ghế ngồi. Cho chị xin thêm 350.000 đồng tiền lấy vé dùm. Em chỉ cần đưa chứng minh nhân dân là chị lấy vé cho em liền”, nữ “cò" vé nói giọng chắc nịch.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ không tin tưởng và nói có trường hợp mua vé từ “cò" vé và không được lên tàu vì không trùng khớp với thông tin đã được đăng ký trên website của ngành đường sắt, nữ “cò" vé này đổi giọng bực tức: “Không tin thì vào nhà ga mua vé thử coi có vé để đi không. Ở đây bán đảm bảo vé "xịn”, làm ăn uy tín bao nhiêu năm nay rồi. Nếu bán vé giả, lên tàu không được thì sao còn ngồi được ở đây. Giờ này mà không lo mua vé sớm thì khỏi đi”, nữ “cò" vé gắt gỏng nói.
Những "cò" vé ngồi ngay cổng ra vào ga Sài Gòn để chèo kéo hành khách mua vé đi tàu. |
Sau khi lấy lý do vào trong nhà ga để hỏi kĩ lưỡng vé đi Thanh Hoá vào ngày 26 tháng Chạp còn hay không để thoái thác lời “quảng cáo” của nữ “cò" vé túc trực ở ngoài cổng ra vào ga Sài Gòn, chúng tôi còn phát hiện nhiều “cò" vé khác đi xe máy, chầu chực chào mời khách mua vé tàu Tết tại khu vực bãi giữ xe và quán cà phê nằm trong khuôn viên ga Sài Gòn.
Ngay tại quán cà phê nằm phía trong sân ga, một "cò" vé cũng đang ra sức chiêu dụ một hành khách muốn mua vé đi tàu về Nghệ An. Như những “cò" vé túc trực trước cổng ga, người đàn ông này cũng ra sức “quảng cáo” là vé đi các tỉnh từ miền Trung, miền Bắc lúc nào cũng có. Chỉ cần đưa chứng minh nhân dân, trao tiền là có vé ngay hoặc đặt tiền cọc vài ngày sau sẽ có vé.
Trong khi loa phát thanh trong ga Sài Gòn cảnh báo không nên mua vé bên ngoài để tránh mất tiền oan, thì "cò" vé này vẫn vô tư chiêu dụ hành khách mua vé tàu ngay tại quán cà phê trong sân ga. |
Qua tìm hiểu, số vé “cò” bán ra cho hành khách là do những người này lên website của ngành đường sắt đặt hàng loạt bằng tên, số chứng minh nhân dân bất kì vào thời điểm mới bán vé. Khi có khách mua, “cò” sửa tên trên website rồi in ra bán nhưng không khớp với thông tin đã đăng ký.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết nhân viên ngành đường sắt sẽ kiểm tra thông tin tên, số chứng minh nhân dân của người đi tàu trên vé có trùng khớp với thông tin đã đăng ký với ngành đường sắt hay không. Nếu những trường hợp không trùng khớp coi như vé không hợp lệ và không được giải quyết đi tàu.
Một trường hợp vé giả bị phát hiện vào tháng 12/2016. |
Thời gian qua, ga Sài Gòn đã phát hiện khoảng 10 vé tàu không hợp lệ của hành khách trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 có dấu hiệu sửa tên và giấy tờ tùy thân, những trường hợp này sẽ không được lên tàu theo quy định. “Người dân không nên mua vé từ “cò” để tránh mất tiền oan”, ông Văn khuyến cáo.
Theo ông Văn, hiện nay các vé đi tàu chặng Sài Gòn đi các tỉnh miền Bắc bán theo phương án các ngày cao điểm cơ bản đã hết vé. Tuy nhiên, mỗi ngày sẽ có khoảng 300 – 400 trường hợp vé được đặt rồi nhưng trả lại nên hành khách vẫn có thể chọn được tấm vé tàu phù hợp. Chưa kể một số chuyến tàu sẽ còn tổ chức bán vé tăng cường ngồi ghế phụ để phục vụ hành khách. Do vậy, người đi tàu tuyệt đối không được tin lời “cò” và cả những quảng cáo trên các website không phải của ngành đường sắt… Ngành đường sắt chỉ bán vé tàu chính thức qua website www.dsvn.vn hoặc tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý của công ty quản lý.
Hành khách nên vào trong nhà ga để mua vé tàu vì vẫn còn vé trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán. |
Về việc “cò" vé vào hoạt động trong khuôn viên nhà ga, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, cho biết thêm trong dịp cao điểm Tết, hành khách tập trung nhiều nên ga Sài Gòn đã có phương án số 123/PA-GSG để đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Theo đó, ga Sài Gòn sẽ chủ động triển khai lực lượng tại chỗ và phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để ngăn chặn các đối tượng làm ăn phi pháp như các đối tượng “cò" vé, lừa đảo in bán vé giả, trộm cắp, móc túi…