Trả lời phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 5/5, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ) luôn coi trọng công tác bảo hộ công dân và khẩn trương xử lý các vụ việc cũng như những vấn đề liên quan.
Ngày 5/4, 39 ngư dân Việt Nam bị giữ tại đảo Pontianak (Indonesia) đã được trao trả qua đường hàng không về nước. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Indonesia) |
Ngay sau khi nhận được thông tin về tàu cá vi phạm và danh sách các ngư dân bị bắt, ĐSQ sẽ thông báo thông tin tới cơ quan chức năng trong nước; tiến hành xác minh nhân thân của các thuyền viên; phân công cán bộ làm việc trực tiếp và gửi công hàm đề nghị phía Indonesia cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc (thời gian, tọa độ, số người bị bắt...).
ĐSQ cũng đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với các ngư dân bị bắt, trao trả tài sản cho các ngư dân và sớm thả ngư dân vì lý do nhân đạo, đồng thời phối hợp và đề nghị cơ quan chức năng trong nước (Cục Lãnh sự, sở Ngoại vụ địa phương) sớm hoàn tất các thủ tục để đưa ngư dân về nước.
Căn cứ theo số liệu từ các cơ quan chức năng của Indonesia, hiện có gần 580 ngư dân thuộc 72 tàu của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (328 ngư dân), Bình Định (62 người), Khánh Hòa (58 người), Tiền Giang (66 người), Kiên Giang (44 người), Phú Yên (6 người) và Bình Thuận (13 người) đang bị bắt giữ.
Tuy nhiên, theo bộ phận lãnh sự thuộc ĐSQ Việt Nam tại Indonesia, số tàu trên danh sách có thể không đúng với số tàu thực tế do nhiều phương tiện sử dụng số hiệu giả.
Theo ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự của ĐSQ Việt Nam tại Indonesia, danh sách ngư dân Việt Nam mà phía Indonesia thông báo không trùng khớp với thực tế, vì vậy, ĐSQ đang tiếp tục nghiên cứu và cập nhật trong thời gian tới để tiến hành các thủ tục bảo hộ công dân và đưa các ngư dân về nước.
Về quy trình xử lý các vụ tàu cá vi phạm vùng biển Indonesia, ông Nguyễn Thanh Giang cho biết thêm: Sau khi bị bắt giữ, các tàu này sẽ bị lai dắt về căn cứ của lực lượng chức năng Indonesia. Thuyền trưởng và một người làm chứng sẽ bị cách ly để phục vụ quá trình tố tụng và kết án. Các thuyền viên còn lại sẽ được thông báo trả tự do bằng văn bản gửi đến ĐSQ.
Người làm chứng sẽ được thông báo thả tự do sau khi tham dự các phiên tòa kết án thuyền trưởng. Thuyền trưởng sẽ phải hoàn thành việc thi hành bản án của tòa án địa phương, sau đó mới được trả tự do, thường từ 6 tháng đến 6 năm, tùy mức độ vi phạm vùng biển và hải phận của Indonesia.
ĐSQ Việt Nam khuyến cáo người dân, khi nhận được thông tin người nhà vi phạm tại Indonesia, thân nhân cần phối hợp với sở Ngoại vụ tại địa phương để sớm hoàn tất các thủ tục liên quan.
Thời gian kể từ khi tàu bị bắt giữ đến khi các cơ quan chức năng Indonesia gửi hồ sơ thông báo thả ngư dân được gửi đến ĐSQ sẽ mất từ 20-45 ngày. Trường hợp ngư dân sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết, sẽ mất khoảng 2-6 tuần để được trao trả về nước tính từ khi các cơ quan chức năng Indonesia thông báo trao trả ngư dân.
Về tài sản, tàu thuyền, Indonesia thời gian qua đã áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với các vụ việc đánh bắt cá trái phép và trong hầu hết các trường hợp, nhà chức trách Indonesia sẽ cho tiêu hủy toàn bộ số tàu, thuyền vi phạm.