Tại tỉnh Gia Lai, thời điểm này tuy không phải là cao điểm, song qua công tác cân tải trọng, tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng cho thấy, hoạt động này vẫn diễn ra hết sức phức tạp.
Theo ghi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Trạm cân cố định ở Km 1627 trên đường Hồ Chí Minh, hầu hết các xe khi bị buộc vào cân đều cho kết quả vượt tải trọng cho phép từ 10-30%. Chỉ trong 2 tuần (từ ngày 15-27/4), lực lượng chức năng đã phát hiện trên 70 trường hợp vi phạm về tải trọng; tiến hành lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trên 700 triệu động. Điều đáng nói là qua quá trình kiểm tra tải trọng, nhiều lái xe biết mình chở quá tải nên có thái độ chây ỳ, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng.
Trung tá Nguyễn Phương Nam - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết: Qua thực tế cân kiểm tra tải trọng, do mức xử phạt cao nên các lái xe, chủ xe thường tìm cách né tránh, không qua các tuyến đường có trạm cân. Một số tài xế vi phạm còn có biểu hiện cố tình cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Nhiều lái xe, chủ phương tiện cố tình vi phạm, thực hiện vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, cá biệt có trường hợp khi phát hiện lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ thì tăng ga bỏ chạy. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua.
Để biện minh cho tình trạng trên, lái xe Đào Đức Thanh, trú tại thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cho rằng: “Xe của em có quá khổ một ít. Do giá dầu tăng, dịch COVID-19 bị ảnh hưởng nữa nên chúng em chở thêm hàng. Vì thế, chúng em chỉ chạy ban đêm thôi, ban ngày không dám chạy”.
Trước thực tế đó, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã kiên quyết yêu cầu các lái xe chấp hành nghiêm, tiến hành cân tải trọng đối với các trường hợp có dấu hiệu quá tải trên tất các tuyến đường huyết mạch. Song song với việc triển khai các đội cân lưu động tại các tuyến đường có nhiều phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông, lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát vào ban đêm.
Trung tá Vũ Trọng Thụ - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đăk Pơ cho biết: Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải trên các tuyến đường. Bên cạnh đó, tuyên truyền để các chủ xe, lái xe ký cam kết thực hiện các quy định về an toàn giao thông; tuyên truyền sâu rộng, nhất là trong đồng bào dân tộc thiếu số về Luật Giao thông đường bộ. Đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.
Không chỉ siết chặt công tác kiểm tra tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện chuyên chở hàng nông sản cao, lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, yêu cầu các trường hợp vi phạm chấp hành nghiêm quy định về cân tải trọng.
Trung tá Nguyễn Phương Nam - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết thêm: Thời gian qua, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 đã triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có nội dung tăng cường xử lý vi phạm về tải trọng. Sau khi được trang cấp một hệ thống cân cố định tại trạm, qua hai tuần xử lý, Đội đã phát hiện trên 70 trường hợp vi phạm về tải trọng, tiến hành lập biên bản và xử phạt hành chính trên 700 triệu đồng.
Công tác kiểm soát quá khổ, quá tải tại Gia Lai dù được triển khai rất quyết liệt song vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Để công tác này thực sự hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường thì quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân, nhất là các tài xế, chủ xe.