Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước yêu cầu các doanh nghiệp giảm công suất, sản lượng khai thác cát để bảo vệ dòng sông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng yêu cầu giảm sản lượng, công suất khai thác nhưng lại không kiểm soát thường xuyên, còn nhiều doanh nghiệp khai thác cát dường như đang “tranh thủ” để khai thác với cường độ cao hơn.
Ồ ạt khai thác
Vào những ngày này, có mặt tại đoạn sông Đồng Nai chảy qua xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) chúng tôi vẫn thấy hàng chục tàu, sà lan rầm rộ khai thác cát trên một đoạn sông ngắn. Dòng nước sông đỏ lòm, đục ngầu, chảy xoáy từng đoạn. Từ xa có thể nhìn thấy lòng sông không còn yên bình, địa hình bên dưới không còn như trước mà đã trở nên phức tạp rất nhiều, tạo nên những hố sâu sẵn sàng làm đổ sập phần đất bên trên bất cứ lúc nào.
Phía trên bờ sông, cứ cách vài trăm mét lại thấy một ngọn núi cát khổng lồ, cao ngút. Nằm giữa lòng sông và những núi cát là nhiều đoạn sông bị sạt lở vẫn còn nguyên vết tích trong khi các tàu hút cát vẫn cứ hoạt động hết công suất.
Khai thác cát khu vực sông Đồng Nai. Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Ông Đoàn Ngọc Nam, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, cho biết: Toàn bộ cát khai thác được đều phục vụ nhu cầu xây dựng bên phía tỉnh Bình Phước, xa hơn nữa là Bình Dương. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chương trình phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Phước ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, một số doanh nghiệp cũng đã đăng ký giảm sản lượng khai thác. Nhưng có một thực tế là không ai có thể quản lý được sản lượng cát khai thác của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở đây và việc khai thác vẫn diễn ra ồ ạt.
Hiện nay, phía thượng nguồn đoạn sông này đã có một công trình thủy điện, đập thủy điện đã chặn dòng, tức là cát từ thượng nguồn sẽ không đổ về nữa, trong khi đó tình trạng khai thác kiểu “hủy diệt” thế này sẽ bức tử đoạn sông này. Ông Nam bày tỏ lo lắng.
Điều mà Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 lo lắng đã diễn ra từ rất lâu bởi tình trạng khai thác cát trái phép dọc theo dòng sông đoạn giữa các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai. Vào cuối năm 2016, một mảnh đất rộng 1 ha đã đổ sập xuống lòng sông, chắn dòng chảy còn sà lan hút cát làm sạt lở khu đất này thì đã... chạy mất. “Đã có đến hàng chục ha đất sản xuất của người dân bị đổ xuống lòng sông. Hàng ngày, hàng chục hộ dân kéo nhau lên UBND xã khiến nại, kêu cứu", ông Đoàn Ngọc Nam, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, cho biết.
Không chỉ có vậy, theo ông Nam, việc phân định ranh giới quản lý lòng sông đã khiến các chủ tàu, sà lan “lách luật” bằng cách khi thấy lực lượng của địa phương này thì các tàu, sà lan này lại chống sào, đẩy nhích sang phía thuộc địa phương kia quản lý. Suốt nhiều năm, tình trạng khai thác cát ồ ạt, vừa có phép vừa không phép đã làm cho dòng sông này biến dạng.
Tại buôn Go, thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên), một đoạn dài dòng sông Đồng Nai bị sạt lở cả bờ kè và một đoạn đường bê tông. Đây là hậu quả của việc suốt một thời gian các doanh nghiệp khai thác cát ồ ạt. Ông Điểu K’Mười, một người dân địa phương, nói: Đoạn kè này trước đây ngang mặt đường, bị sập xuống sông đã hai năm nay rồi. Bây giờ không còn đơn vị nào hút cát nữa là vì người dân ở đây kéo nhau đến phản đối đến mức xung đột với đơn vị khai thác cát. Thế nhưng, đoạn phía dưới kia, thuộc khu 6, thị trấn Cát Tiên vẫn còn khai thác cát nên đoạn sông này vẫn bị ảnh hưởng, đất cát trôi dần xuống phía dưới.
Thiếu sự kiểm soát
Trên sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, hiện còn 16 giấy phép khai thác cát, sỏi do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép còn hiệu lực. Riêng tại huyện Đạ Tẻh còn 7 giấy phép; trong đó có 4 giấy phép có hiệu lực đến hết năm 2018 và tháng 1/2019, có 2 giấy phép khai thác đến tháng 1/2020 và một giấy phép có hiệu lực đến năm 2029.
Đoạn sông này có chiều dài 19,72 km. Riêng công suất của các đơn vị khai thác do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đã lên tới 78.600 m3 cát/năm. Chưa kể, cũng trên đoạn sông này, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Hợp tác xã Công nghiệp Phú Xuân có thời hạn đến 20/10/2025, tổng trữ lượng cát xây dựng được cấp khai thác là hơn 218.000 m3.
Trên địa bàn huyện Cát Tiên có 5 đơn vị và một cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 9 giấy phép đang hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai dài 32,32 km đoạn qua các xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Phước Cát 1, Phước Cát 2 và thị trấn Cát Tiên. Tổng sản lượng của cả 9 giấy phép này được khai thác mỗi năm là 95.100 m3 cát. Trong đó, có 7 giấy phép khai thác đến tháng 12/2018 và tháng 01/2019, 1 giấy phép cho khai thác đến tháng 1/2020 và một giấy phép đến tháng 3/2021.
Sông Đồng Nai trong xanh hơn từ khi cát được khai thác theo đúng quy định. Ảnh: K GỬIH/TTXVN |
Tuy nhiên, cũng trên đoạn sông này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai, có hiệu lực đến năm 2024; tổng trữ lượng được cấp là hơn 917.000 m3, sản lượng cát khai thác mỗi năm lên đến 80.000 m3. Cũng chính trên đoạn sông này, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã cấp phép khai thác cát cho Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất – thương mại - dịch vụ Trường Phát khai thác trữ lượng gần 312.000m3 đến hết năm 2018 trên đoạn sông chỉ dài 5 km.
Một đoạn sông giáp ranh giữa 3 tỉnh, được cấp đến 19 giấy phép khai thác với trữ lượng hàng chục triệu khối cát, không cần điều tra cũng đủ biết rằng đoạn sông này đang bị “bức tử” với cường độ khủng khiếp đến mức nào.
Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Phước không cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác cát trên sông Đồng Nai; đồng thời, yêu cầu giảm công suất khai thác đối với một số doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác ở mức 15.000 m3/năm xuống dưới mức này.
Thực tế, đã có một số đơn vị khai thác thác cát chấp thuận giảm công suất. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 Đoàn Ngọc Nam: Giảm thì nói là giảm vậy, nhưng tại thực tế, hiện trường khai thác có đơn vị nào hay ai kiểm soát công suất, sản lượng đâu. Ngược lại, dường như các đơn vị khai thác vì không được gia hạn thêm giấy phép nên đang tranh thủ khai thác tận thu.
Cần quản lý chặt hơn
Theo thống kê của UBND tỉnh Lâm Đồng, diện tích đất sạt lở riêng tại các thôn Phước Thái, Vĩnh Ninh thuộc xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) là hơn 8.800 m2; diện tích sạt lở tại xã Quảng Ngãi (Cát Tiên) là gần 107.500 m2 đất; xã Phước Cát 1 bị sạt lở hơn 1.200 m2. Đó là các ngành chức năng còn chưa thống kê hết diện tích bị sạt lở thuộc phạm vi Vườn quốc gia Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, hiện một đoạn sông Đồng Nai, qua địa phận huyện Đạ Tẻh do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Kim khai thác có dấu hiệu tiếp tục sạt lở, chiều dài khoảng 260 m. Ngoài ra, đoạn sông Đồng Nai giáp ranh Vườn quốc gia Cát Tiên, phía bờ huyện Tân Phú (Đồng Nai) có điểm sạt lở mới phát sinh khoảng 2.000 m2.
Hiện, dòng sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai vẫn đang bị khai thác cát quá mức và có nguy cơ rất lớn tiếp tục sạt lở đất, biến đổi dòng chảy, thay đổi địa chất lòng sông… Những điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên của vùng tiểu khí hậu này. Tuy nhiên, vì đã “lỡ” cấp phép cho quá nhiều đơn vị khai thác cát với khối lượng quá lớn mà các địa phương này đang lâm vào tình trạng khó xử lý.
Nhu cầu khai thác cát đang tăng mạnh, lợi nhuận từ lĩnh vực này ngày càng tăng và tình trạng các đơn vị, cá nhân khai thác cát không tuân thủ theo sản lượng, công suất đã được cấp phép là có thật. Chính quyền và ngành chức năng các địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm soát việc khai thác cát để bảo vệ dòng sông Đồng Nai.