Tin theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, nhiều nông dân đã bị “tiền mất, nợ mang”, lâm vào cảnh túng quẫn, thậm chí có người phải bỏ xứ đi làm ăn xa kiếm tiền trả nợ.
Qua công tác nắm bắt địa bàn, từ giữa tháng 10/2016, lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện đối tượng Trần Thị Ngọc, là Việt kiều đang sống tại Mỹ, thông qua mối quan hệ với một số đối tượng tại huyện Trần Đề và Long Phú tỉnh Sóc Trăng đã vận động và dụ dỗ người dân nơi đây làm hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ lao động.
Tiến hành xác minh, lực lượng chức năng xác định thêm được các đối tượng liên quan gồm cặp vợ chồng: Lâm Lên và Lâm Thị Ngọc Hoàng, ngụ tại ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Các đối tượng đã hướng dẫn làm hồ sơ cho 84 người và nhận thêm của 18 người với tổng số tiền là 30 nghìn USD. Với mỗi người xin đi xuất cảnh lao động tại Mỹ, các đối tượng thu 1.500 USD.
Đến ngày 10/3/2017, khi sự việc bị bại lộ, đã có 12 người dân từ tỉnh Bạc Liêu đến nhà vợ chồng Lên và Hoàng đòi lại số tiền đã đưa làm hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ, nhưng không gặp. Theo những người dân này thì từ cuối tháng 9/2016 đến giữa tháng 10/2016, họ đã bị cặp vợ chồng này lôi kéo, vận động với những lời hứa hẹn sẽ sớm được xuất cảnh sang Mỹ làm những công việc phổ thông với mức lương 1.000 USD/tháng. Vì những lời nói đường mật đó, nên 12 trường hợp này đã bị cặp vợ chồng Lên và Hoàng thu tổng cộng 30.600 USD để làm hồ sơ. Nhưng sau 5 tháng chờ đợi không thấy kết quả, những người dân này đã kéo nhau đi đòi lại tiền và yêu cầu cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Đến 15/5/2017, lực lượng chức năng phát hiện thêm 4 trường hợp cùng ngụ ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng được Sơn Minh Hòa - đồng bọn của Lên và Hoàng hướng dẫn làm hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ, nhưng chưa nộp tiền cho Hòa.
Theo chỉ đạo của Trần Thị Ngọc, vợ chồng Lên và Hoàng đã chuyển toàn bộ số tiền hơn 60.000 USD thu được từ các trường hợp làm hồ sơ cho Ngọc ở bên Mỹ.
Một người nông dân bị lừa tên Lý Sang (sinh năm 1980) cho biết: "Do nhà ở gần với vợ chồng Lên và Hoàng, đồng thời được nói chuyện trực tiếp với Trần Thị Ngọc đang ở Mỹ qua mạng xã hội, nên tôi tin tưởng và đưa 500 USD và gán 2 con bò đang nuôi cho họ".
Sau khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, lực lượng chức năng đã vận động bà con khai báo và cảnh giác với chiêu lừa đảo mất tiền khi làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ theo diện xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn hẹp và “giấc mơ đổi đời ở Mỹ” với mức thu nhập cao, nên đã có bà con suy diễn chính quyền và lực lượng chức năng ngăn cản.
Từ diễn biến của vụ việc cho thấy, hành vi của đối tượng Trần Thị Ngọc có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Ngọc là đối tượng chính, hướng dẫn làm hồ sơ, nhận tiền thông qua mạng xã hội, nhưng hiện đang ở nước ngoài; vợ chồng Lên, Hoàng và Hòa là đối tượng trung gian, hoạt động theo sự hướng dẫn của Ngọc. Đa phần người bị lừa đảo là người dân tộc Khmer, trình độ dân trí thấp, dễ tin, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, có nhu cầu xuất cảnh để lao động kiếm tiền nhưng lại không hiểu rõ quy định của Nhà nước.
Vụ việc này có số tiền, số người bị lừa là khá lớn, hơn 60.000 USD với hơn 100 trường hợp; phạm vi ảnh hưởng lan rộng ở nhiều địa bàn trong tỉnh Sóc Trăng như huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Tú, thị xã Vĩnh Châu và các tỉnh, thành khác. Một số trường hợp bị lừa ở tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh và một trường hợp tại TP Hồ Chí Minh, cho thấy thủ đoạn của nhóm lừa đảo này có tổ chức, có tính toán và tinh vi. Hiện vợ chồng Lên và Hoàng đã trốn khỏi địa phương.
Giờ đây, nhiều người dân nghèo ở Sóc Trăng và một số địa phương khác đang phải “ôm hận”, tan giấc mơ đổi đời vì thiếu hiểu biết, bị mất số tiền không nhỏ, người ít nhất là 500 USD; có gia đình bị mất tới 9.000 USD khi đăng ký cho 3 người đi xuất cảnh lao động. Đây là số tiền không hề nhỏ với những người nông dân nghèo. Nhiều người trong số này đã đi vay tiền với lãi suất cao.
Hiện ngành chức năng, các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân không nghe theo lời kẻ xấu.