Đó là nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai sau 2 năm (2017- 2018) thực hiện Chỉ thị về tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.
Thực trạng trên là do còn một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản theo giấy phép. Một số cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan còn thiếu tính chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra xử lý.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị, Ban Cán sự UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa, các mỏ, điểm khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; xử lý dứt điểm tình trạng các bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng không phép dọc tuyến sông, suối trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản; nâng cao vai trò người đứng đầu và sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức trong quản lý khai thác, kinh doanh khoáng sản.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, ông Trần Trung Nhân, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu phản ánh việc đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động vào ban đêm. Các đối tượng đi một nhóm nhiều người trên 5 ghe thay phiên nhau bơm hút cát dưới sông Đồng Nai. Mỗi đêm, những ghe này thu về số tiền bán cát khoảng 200 triệu đồng. Do lợi nhuận từ bơm hút cát trái phép quá lớn, các đối tượng hoạt động liều lĩnh, manh động.
Trước trình trạng khai thác cát trái phép trên sông, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh Đồng Nai - Bình Dương, Đồng Nai - Thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương đã kiến nghị cần được trang bị ca nô tuần tra.
Vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết giao Ban Cán sự UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật nhằm từng bước trang bị phương tiện và củng cố nhân lực, tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.
Mới đây, TTXVN có loạt bài phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, nhất là tại các địa bàn giáp ranh. Việc làm này không những gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên quốc gia mà còn làm sạt lở đất nghiêm trọng hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đang cung ứng cho hơn 20 triệu cư dân vùng hạ du lưu vực sông Đồng Nai.