Xe chở gỗ lậu ngang nhiên qua Trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei (Ảnh chụp ngày 20/6/2016). Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Vụ việc chỉ xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tuy nhiên, đúng như ông Nguyễn Tấn Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum nói, xử lý hành chính trong các vụ vi phạm lâm luật thì tính răn đe không cao.
Hiện tại, tỉnh Kon Tum đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vụ vi phạm theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Theo đó, đối tượng vi phạm đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống còn khó khăn. Khi ban hành quyết định xử phạt hành chính, người vi phạm không có khả năng nộp phạt dẫn đến các vụ vi phạm chưa xử lý triệt để, kéo dài, tính răn đe không cao. Ngoài ra, quy định xử phạt tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ còn nhiều bất cập, các đối tượng phá rừng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, nhất là với các loài lâm sản quý hiếm, nguy cấp.
Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, ngoài gỗ trắc thì các loại gỗ quý hiếm khác như cẩm lai, giáng hương, cà te là những loại cây quý, giá trị kinh tế cao, nguy cơ tuyệt chủng cao nhưng xếp vào nhóm IIA (hạn chế khai thác, mua bán, sử dụng mục đích thương mại). Việc xử lý hình sự trong vi phạm lâm luật không dễ, với gỗ ở rừng sản xuất khung phạt hình sự là phải trên 12,5 mét khối, với rừng phòng hộ trên 10 khối, rừng đặc dụng trên 5 mét khối.
Trong khi đó, đa số các vụ vi phạm đều có số lượng nhỏ hơn so với quy định, chỉ xử lý vi phạm hành chính, tính răn đe không cao. “Đề nghị đưa danh mục những loài cây này vào nhóm IA (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Ngoài ra, ở nhóm IA cần hạ thấp khối lượng khai thác trái phép bị xử lý hình sự để tăng tính răn đe.
Bên cạnh đó, đối với các hành vi phát rừng trái pháp luật làm nương rẫy với người đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum hầu như không thu được tiền phạt. Việc xử lý nhưng không thu được tiền phạt sẽ tạo thói quen nhờn luật. Bên cạnh đó, khung quy định diện tích để xử lý hình sự còn cao (0,5 ha với rừng sản xuất, 0,3 ha với phòng hộ và 0,1 ha trở lên với rừng đặc dụng).
Được biết, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cũng đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương liên quan điều chỉnh các quy định, tăng cường các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm tăng sức răn đe và uy nghiêm của pháp luật.