Thời gian qua, trên vịnh Hạ Long liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ cháy tàu du lịch. Trước tình hình đó, chiều ngày 15/2 tại Hạ Long, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì phiên họp khẩn cấp, bàn các giải pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy đối với các phương tiện vận tải và lưu trú khách trên Vịnh Hạ Long, nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Hiện trường vụ tàu Ánh Dương QN 3598 bị cháy trên vịnh Hạ Long Ảnh: Văn Đức/TTXVN |
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhận định: tàu vỏ gỗ có nguy cơ cháy rất cao, nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ cháy là do chập điện. Vẫn còn hiện tượng nấu ăn trên tàu, hút thuốc, đốt hương, đốt vàng mã… đặc biệt, hệ thống dây điện trêu tàu khi thiết kế được đi chìm trong vỏ tàu, cộng với việc chủ tàu tự ý thêm phần mút xốp cách âm giữa các khoang đã làm tăng nguy cơ cháy tàu lên nhiều lần.
Song hành với đó là bất cập trong việc quản lý hồ sơ đăng ký và hoạt động của các phương tiện trên Vịnh. Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh (tính đến ngày 15/2/2017), mới chỉ có 488/536 tàu du lịch đã được Hội đồng kiểm tra, đánh giá. Như vậy, vẫn còn 48 tàu chưa được kiểm tra.
488 tàu này bao gồm: 316 tàu tham quan (252 tàu vỏ gỗ, 64 tàu vỏ thép); 170 tàu lưu trú (143 tàu vỏ gỗ, 27 tàu vỏ thép); 2 tàu nhà hàng (1 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ thép).
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã nêu ra một số bất cập trong việc đồng bộ các phương tiện chữa cháy của của hơn 500 tàu đang neo đậu và hoạt động trên vịnh Hạ Long. Theo đó, cảnh sát PCCC kiến nghị nên đồng bộ hóa các hệ thống chữa cháy từ bị động và thủ công lên tự động, thường xuyên kiểm tra việc tập huấn các kỹ năng cho chủ tàu và thuyền trưởng, thuyền viên nhằm hạn chế rủi ro.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cũng nêu rõ về con số 12 tàu cháy từ năm 2014 đến nay đều là dạng tàu lưu trú, không có tàu chạy tiếng. Nguyên nhân đa phần đều bắt nguồn từ sự cố về điện và không phát hiện kịp thời. Mặc dù vỏ tàu bên ngoài được thay từ gỗ bằng các chất liệu chống cháy nhưng nội thất bên trong tàu vẫn làm từ gỗ, mút xốp… Chính những vật liệu này khiến sự cố cháy âm ỉ khó phát hiện, đến khi xảy ra cháy sẽ bùng phát rất nhanh và khó được khống chế.
Sở Giao thông vận tải cũng kiến nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động các chủ tàu thay đổi hệ thống điện,vật liệu nội thất để đảm bảo độ an toàn cao nhất.
Đáng chú ý khi chưa đầy một tuần vừa qua đã xảy ra hai vụ cháy tàu nghiêm trọng. Đó là vụ cháy tàu QN 2071 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du thuyền Bhaya, chở 7 khách du lịch nghỉ đêm (5 khách nước ngoài, 2 khách Việt Nam, cùng 5 nhân viên nhà tàu) trên vịnh Hạ Long, mà nguyên nhân được xác định là do chập điện từ bình nóng lạnh. Và gần đây nhất là đêm ngày 14/2, tàu chở hàng Quốc tế (mang quốc tịch Panama) đã cháy rụi phần ca bin của trưởng tàu, cũng do chập điện.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: rà soát lại các hợp đồng vận chuyển đối với các chủ tàu, thay đổi các phương án đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Nếu các chủ tàu không thực hiện theo đúng hợp đồng, ban quản lý vịnh chủ động và kiên quyết cho ngừng hoạt động; giao ban quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với cảnh sát PCCC xem xét việc lắp hệ thống chữa cháy bằng khí CO2 tại buồng máy, lắp hệ thống bơm nước sử dụng điện dự phòng, đi đường điện nổi thay thế hệ thống đường điện ngầm tại các tàu hiện nay, tháo bỏ các vật liệu cách âm,cách nhiệt là chất dễ cháy, nghiêm cấm việc nấu ăn trên tàu, hút thuốc và các hoạt động dễ gây cháy nhằm hạn chế cao nhất nguy cơ cháy nổ trên tàu; yêu cầu các chủ tàu và thuyền trưởng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC.