Phát hiện nhiều vụ buôn bán pháo trái phép
Chỉ tính riêng từ ngày 15/11/2022 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý 6 vụ/11 đối tượng, trong đó, xử lý hình sự 5 vụ với 8 bị can, xử lý hành chính 1 vụ với 3 đối tượng về hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép, thu giữ gần 100 kg pháo nổ.
Mới đây, ngày 4/1, Công an thành phố Hạ Long phát hiện Mạc Duy Hưng (sinh năm 1998, trú tại tổ 8, khu 6, phường Bãi Cháy) vận chuyển 36 hộp pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất đi tiêu thụ trên địa bàn phường Yết Kiêu. Lực lượng chức năng còn phát hiện 3 phiếu bán lẻ pháo hoa (cấp cho người mua không lấy hóa đơn) có đóng dấu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên hóa chất 21, cùng 17 phiếu bán hàng có đóng dấu của Chi nhánh Bắc Giang - Pháo hoa Quốc phòng Z21.
Qua khai thác, Hưng khai nhận, số pháo hoa trên dạng dàn phun viên do Bộ Quốc phòng sản xuất được người này mua trôi nổi của nhiều người không quen biết trên mạng xã hội zalo, facebook với giá 420 nghìn đồng/giàn và bán lại với giá 480 nghìn đồng/giàn.
Trước đó, vào hồi 19 giờ 30 phút ngày 28/12/2022, tại khu vực thôn Hải Tiến, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Công an xã Quảng Thành phát hiện, bắt quả tang Bùi Văn Hùng (37 tuổi, trú tại thôn Hải Tiến, xã Quảng Thành) đang có hành vi tàng trữ hàng cấm là pháo nổ. Tang vật thu giữ gồm 7 hộp pháo giàn (loại 36 lỗ) và bánh pháo, đều in chữ Trung Quốc, tổng cân nặng 24kg.
Cũng tại huyện Hải Hà, ngày 18/12/2022, qua công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bản Pạc Này, xã Quảng Đức, Công an huyện phát hiện, bắt quả tang Bùi Anh Quân (21 tuổi, trú tại thôn 5, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà) điều khiển xe máy chở theo bao tải dứa chứa 10 giàn pháo hoa nổ.
Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép pháo nổ sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như vận chuyển pháo qua khu vực đường mòn, lối mở, tuyến đường biển tiếp giáp biên giới Trung Quốc, ngụy trang pháo trong thùng giấy bên ngoài in nhãn hoa quả, sau đó trà trộn trong các container hàng hóa nhập khẩu vận chuyển theo đường cửa khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam (Lạng Sơn, Lào Cai). Sau đó, các đối tượng sử dụng xe tải để vận chuyển về Hà Nội, Bắc Giang cất giấu, tiêu thụ hoặc lên mạng internet tìm hiểu cách chế tạo và mua nguyên liệu về tự sản xuất pháo tại nơi cư trú rồi bán cho người có nhu cầu.
Nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn
Trước việc một số người dân quảng cáo, đăng bán pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất trên các trang mạng xã hội, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù sản phẩm được rao bán có thể là pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất nhưng việc mua đi, bán lại sản phẩm này trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.
Khoản 2, Điều 14, Nghị định 137 năm 2020 quy định việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm điều kiện: Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường…cá nhân, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng, không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự...không được mua pháo hoa về bán lại.
Dự báo thời gian tới, khi Trung Quốc mở cửa biên giới, bỏ cách ly kiểm dịch từ ngày 8/1/2023, lượng người và hàng hóa qua lại biên giới gia tăng. Kéo theo đó, hoạt động vận chuyển, buôn trái phép pháo nổ qua biên giới có điều kiện hoạt động. Nhằm tăng cường đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo nổ, đảm bảo an ninh trật tự dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công an tỉnh Quảng Ninh ban hành các điện, văn bản chỉ đạo Công an đơn vị, địa phương tập trung triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép qua biên giới. Tổ tuần tra, kiểm soát được thành lập tại tuyến, địa bàn trọng điểm nguy cơ cao thành nơi tập kết, vận chuyển pháo.
Công an tỉnh phối hợp lực lượng chức năng tổ chức rà soát, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện vấn đề phức tạp, phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật mới về pháo để phối hợp phòng ngừa, có biện pháp đấu tranh, bắt giữ. Cùng với đó, Công an tích cực tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm nội dung Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo, hoạt động rao bán tự do pháo hoa trên mạng không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo và mất an toàn về phòng, chống cháy nổ. Đã có trường hợp đối tượng yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền cọc để làm tin, sau khi người mua chuyển tiền, đối tượng lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc. Bên cạnh đó, pháo hoa là mặt hàng cần được bảo quản cẩn thận, người bán phải được huấn luyện an toàn để phòng, chống cháy nổ. Khi mua hàng không rõ nguồn gốc trên mạng, người mua rất có thể nhận được loại pháo giả hoặc pháo kém chất lượng gây mất an toàn.
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội năm 2023, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không để tội phạm lợi dụng gây án; triển khai quyết liệt công tác phòng, chống pháo, vũ khí, vật liệu nổ, quyết tâm giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cho nhân dân đón Xuân đầm ấm, an toàn.