Trước vụ việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Dương Văn Cường, Chánh văn phòng, là người phát ngôn của Tổng cục Thủy sản về vụ việc cho biết, quan điểm của lãnh đạo Tổng cục là tiến hành xác minh khách quan ngay từ đầu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; không bao che vi phạm của cán bộ và khẩn trương đưa ra giải pháp chỉ đạo xử lý cũng như khắc phục, ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra.
Đã cách chức một vụ trưởng
Theo ông Dương Văn Cường, ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên qua đường khiếu nại, tố cáo, ngày 17/4/2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Vụ Pháp chế - Thanh tra phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập ngay đoàn xác minh đơn khiếu nại, tố cáo với một số đối tượng liên quan đang công tác tại Văn phòng Tổng cục Thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản để xử lý vụ việc.
Các thành viên trong tổ xác minh đã nhanh chóng thu thập chứng cứ và hoàn thành báo cáo. Ngày 5/6/2015, Tổng cục Thủy sản đã ra Kết luận số 1413/TCTS - PCTTr, nêu rõ giải trình của các đối tượng có liên quan đến vụ việc, cách thức thực hiện hành vi vi phạm; khẳng định hành vi vi phạm của các cán bộ này; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc tham mưu Tổng cục tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục và giải quyết hậu quả của vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Tổng cục Thủy sản thường xuyên báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiến độ kiểm xa, xử lý và chủ động phối hợp ngay từ đầu với cơ quan an ninh (A86).
Tổng cục Thủy sản đã kết luận, các cá nhân trong vụ việc đã cố ý làm sai quy định của pháp luật trong việc làm giả văn bản, cụ thể là cấp giấy phép lưu hành sản phẩm thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Ông Cường cho biết, từ năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương tạm dừng việc cấp giấy đăng ký lưu hành các sản phẩm thức ăn thủy sản và chế phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Bởi vậy, các đối tượng đã sử dụng lại các quyết định, văn bản mà Tổng cục Thủy sản đã ban hành từ năm 2013, 2014 để ghép và bổ sung các sản phẩm vào danh mục phụ lục trái pháp luật.
"Các văn bản gốc chúng tôi đang lưu giữ tại Văn phòng Tổng cục là hoàn toàn chuẩn xác, được ban hành đúng quy định. Nhưng chính các văn bản gốc được phát hành ra lại bị một số cán bộ cố ý ghép thêm phụ lục để đưa thêm một số sản phẩm vào lưu hành không đúng quy định. Như vậy, những sai phạm trên chỉ bắt đầu diễn ra cách đây 1 năm, chứ không phải 3 năm như báo chí đã đưa tin" - ông Cường khẳng định.
Sau khi có kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng cục Thủy sản đã cách chức và khai trừ khỏi Đảng ông Bùi Đức Quý là Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản tại thời điểm đó; buộc thôi việc và khai trừ khỏi Đảng ông Lê Tuấn Anh, lúc đó là Phó trưởng phòng Hành chính của Tổng cục. Đồng thời, buộc thôi việc 5 viên chức và cảnh cáo một viên chức khác của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
"Đây là những hình thức kỷ luật cao nhất đối với công chức, viên chức theo quy định hiện hành và tổ chức Đảng trong phạm vi thẩm quyền của Tổng cục Thủy sản", ông Cường nhấn mạnh.
Xử lý các sản phẩm bị thu hồi
Sau khi có kết luận chính thức về vụ việc, Tổng cục Thủy sản đã thực hiện ngay các biện pháp để ngăn chặn, khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm có thể gây ra. Cụ thể, Tổng cục ban hành công văn số 1512/TCTS-VP thu hồi các văn bản sai được phát hiện; ban hành công văn số 1656/TCTS-PCTTr yêu cầu các doanh nghiệp có tên trong công văn bị thu hồi thực hiện thống kê về tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được lưu hành sai quy định.
Đồng thời, Tổng cục tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xử lý các sản phẩm đưa vào danh mục không đúng quy định; tổ chức các đoàn thanh tra đột xuất với thành phần gồm Tổng cục Thủy sản, chính quyền địa phương, A86 và TP Hồ Chí Minh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm trong diện bị thu hồi để thống kê, niêm phong, giám sát sản phẩm và tìm hướng giải quyết. Cơ quan chức năng cũng tiến hành mã hóa các sản phẩm và gửi mẫu khảo nghiệm trước khi chính thức được tiếp tục lưu hành. Đồng thời, cũng tiến hành thu hồi số tiền bất chính hơn 1 tỷ đồng của một số đối tượng liên quan trong vụ việc và nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổng cục còn tổ chức hội thảo với các địa phương nơi có doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi để thông báo hướng xử lý đối với các sản phẩm bị thu hồi. Mặt khác, công bố công khai số điện thoại của cán bộ có trách nhiệm giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn xử lý các sản phẩm bị thu hồi trên website: www.fistenet.gov.vn.
“Hiện tại, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thụ lý vụ việc. Việc có khởi tố hình sự hay không sẽ do cơ quan bảo vệ pháp luật quyết định. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản là triển khai ngay việc xử lý tố cáo và cung cấp thông tin ngay từ đầu cho cơ quan an ninh”, ông Cường cho biết.
Vừa qua, báo chí phản ánh việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, có hơn 800 sản phẩm, gồm 6 sản phẩm dùng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và 140 sản phẩm thức ăn thủy sản, không đảm bảo chất lượng đã được lưu hành trên thị trường bằng cách mua giấy phép lưu hành từ Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản. Từ đường dây này, nhiều sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại đã nằm trong danh sách các sản phẩm được phép lưu hành, lừa dối nông dân trên cả nước.