Năm 1999, thực hiện chủ trương của Nhà nước, gần 300 hộ dân xã Bình Khương đã giao 350 ha đất lâm nghiệp của gia đình cho Công ty cao su Quảng Ngãi quản lý để trồng cao su đại điền trong thời hạn 49 năm.
Nhiều diện tích trồng cao su bị bỏ hoang, hơn 10 năm không khai thác. |
Đến năm 2009, khi cây cao su bắt đầu cho mủ thì bất ngờ gặp cơn bão số 9 khiến phần lớn diện tích cây cao su trên bị quật nát. Số cây cao su ngã đổ được Công ty cao su Quảng Ngãi khai thác "bán tháo". Không được hưởng lợi nên giữa người trồng cao su với Công ty đã xảy ra việc tranh chấp kéo dài cho đến nay.
Hộ ông Bùi Ngọc Hoa ở thôn Thanh Trà, xã Bình Khương, có 5 ha trồng cao su đại điền. Theo ông Hoa, từ khi có sự tranh chấp, phía Công ty đã "bỏ rơi" toàn bộ số cao su giao cho gia đình ông nhận khoán, chăm sóc. Về phần mình, gia đình ông Hoa đành phải bỏ hoang cây cao su, không dám khai thác mủ vì sợ vi phạm pháp luật.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên phần diện tích này cỏ dại đã phủ kín, rất lãng phí. Gia đình ông mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, nếu được thì trả lại đất cho dân để có đất canh tác.
Chung tình cảnh đó, hộ ông Trương Toa ở thôn Thanh Trà cũng không biết phải làm gì với 390 gốc cao su hơn 10 năm tuổi. Kể từ khi Công ty cao su Quảng Ngãi không đầu tư nữa, ông vẫn kiên trì chăm sóc cao su lấy mủ và trồng xen kẽ keo lai để có thêm thu nhập.
Về vụ việc này, ông Lý Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngai, thông tin: Công ty không đầu tư, dân thì không dám "đụng" vào, gây tình trạng lãng phí. Theo thống kê, hiện có tới gần 200 ha cây cao su bị bỏ hoang.
Chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sớm gỡ "nút thắt" giữa người dân và doanh nghiệp, hoặc là tiếp tục hợp tác sản xuất để hai bên cùng được hưởng lợi từ cao su, hoặc trả lại đất nguyên trạng như ban đầu.
Còn ông Nguyễn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Quảng Ngãi cho rằng, Công ty đã đề nghị tỉnh "vào cuộc".
Thế nhưng, đến nay vụ việc này vẫn bị "treo" lơ lửng. Công ty cũng bị thất thoát hơn 19 tỷ đồng do đầu tư không hiệu quả. Phía Công ty cứ treo chén khai thác mủ là dân lại phá đi. Bên cạnh đó, dù Công ty đã nâng mức hỗ trợ từ 15 triệu lên 20-30 triệu đồng/ha nhưng người dân vẫn không chấp thuận.
Cũng theo ông Hùng, sở dĩ có tình trạng này là do chưa hoàn thiện được thủ tục "sổ đỏ", trong quá trình đo đạc đất cán bộ của Công ty đã đo nhầm cả diện tích cao su đại điền với cao su tiểu điền nên phải chờ đo lại.
Được biết, tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần có công văn chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc đối thoại, hòa giải giữa người dân và Công ty cao su nhưng kết quả chẳng đi đến đâu. Các cấp, các ngành ở Quảng Ngãi cần có những giải pháp quyết liệt hơn để chấm dứt ngay những tranh chấp không đáng có.