Truyền thông nhận thức cho cộng đồng để phòng tránh bẫy lừa đảo trực tuyến

Hiện nay, lừa đảo trực tuyến là luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên không gian mạng, các đối tượng xấu thường xuyên lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản, tiền, thông tin cá nhân.

Chú thích ảnh
Tin nhắn lừa đảo dụ dỗ nạn nhân ở Lâm Đồng nộp thêm tiền để rút số tiền ảo trong tài khoản. Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp

Theo thông kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng các vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp cận đa dạng thông tin và nâng cao nhận thức là những yếu tố then chốt để giúp người dân tránh được bẫy lừa đảo.

Đa dạng thủ đoạn lừa đảo

Khi mạng internet ngày càng trở nên thiết yếu, nhiều hoạt động truyền thống được chuyển lên môi trường mạng khiến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Đối tượng xấu liên tục thay đổi các hình thức, chiêu trò lừa đảo. Đặc biệt, những tình huống lừa đảo thường gắn liền với nhu cầu của nhiều người dân. Chị Nguyễn Thanh Dung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Đợt hè vừa qua, do nhiều gia đình có nhu cầu đi du lịch, mạng xã hội xuất hiện lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".

Các thông tin du lịch giá rẻ với hình ảnh bắt mắt, dịch vụ hấp dẫn được quảng cáo rầm rộ trên Facebook, Tiktok, Zalo... được thuê viết nhận xét ảo, khen combo du lịch, chạy quảng cáo nhằm tăng tương tác, thu hút, hấp dẫn khách trên các trang thông xã hội. Khách quan tâm nhanh chóng được tư vấn nhiệt tình, hứa hẹn nhiều ưu đãi. Khi chốt dịch vụ với giá thấp, khách hàng được đề nghị chuyển tiền từ 30 - 50% giá trị để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn. Số tiền cọc này bị chiếm đoạt mà nạn nhân không thể tìm ra tên, địa chỉ của công ty bán tour du lịch.

Đặt cọc rồi bị mất cọc cũng là cách thức kẻ xấu lợi dụng khi câu kéo những người lao động có nhu cầu tìm việc nhanh chóng, công việc đơn giản, không đòi hỏi bằng cấp, làm trên mạng, tính tiền theo giờ. Người làm được gọi là cộng tác viên online, có việc làm ngay cần đặt cọc nhưng thay vì có công việc, nhận được lương, người làm lại bị mất khoản tiền cọc.

Chuyên gia công nghệ Nguyễn Mai Hạnh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, báo chí truyền thông liên tục cảnh báo về nhiều chiêu trò lừa đảo liên quan đến lừa nạn nhân gửi tiền vào tài khoản lạ để chiếm đoạt. Các hình thức được nhắc đến nhiều là: lừa đảo bằng công nghệ, giả dạng hình ảnh, giọng nói qua phần mềm Deepfake, Deepvoice; đặc biệt, hình thức đánh cắp (hack) tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo vẫn được đối tượng xấu sử dụng rộng rãi.

Chị Trần Thị Thảo (tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ: Chị hàng xóm bị hack tài khoản Facebook đã nhắn tin cho em, chồng em và nhiều người xung quanh hỏi vay tiền gấp. Em thấy nghi ngờ, chạy sang hỏi trực tiếp, chị ấy bất ngờ vì mình không hỏi vay tiền ai. Vậy mà chỉ trong 30 phút, đã có người bị lừa gửi cả chục triệu đồng. Đáng tiếc, khi đã chuyển tiền rồi, dù có gọi đến ngân hàng nhờ hỗ trợ, trình báo Công an nhưng cuối cùng không lấy được tiền. Chị Thảo cho biết, vụ việc lừa đảo kiểu này được cảnh báo trên ti vi, báo mạng nhiều rồi. Nhưng ở quê, nhiều người không để ý thông tin trên mạng xã hội nên đối tượng xấu vẫn lừa đảo thành công. Có lẽ, ở các làng quê, người dân cần việc tuyên truyền trực tiếp qua những buổi họp làng xã, ở trường, thầy cô nói chuyện với các học sinh để các học sinh về truyền đạt lại cho gia đình để người già, người ít sử dụng điện thoại vẫn có thể đề phòng rủi ro, chị Thảo nêu ý kiến.

Trao đổi về những trường hợp lừa đảo phổ biến, anh Nguyễn Văn Minh, người làm việc tự do, thường kiếm tiền bằng các dịch vụ trên mạng internet cho biết: Những trường hợp lừa đảo như giả danh các công ty tài chính, ngân hàng, gửi tin nhắn SMS có tên thương hiệu (Brandname); giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…); giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo, đe doạ nạn nhân chuyển tiền; giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu… được báo chí nhắc đến nhiều. Gần đây, khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu chuẩn hóa thông tin cá nhân để tránh bị khóa SIM điện thoại, đã xuất hiện thêm hình thức lừa đảo liên quan đến vấn đề này. Điều này cho thấy đối tượng lừa đảo rất nhanh nhạy, luôn theo sát thông tin thời sự, nhắm đúng nhu cầu của nhiều người để thực hiện lừa đảo.

Chú thích ảnh

Nâng cao nhận thức

Theo cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lừa đảo trực tuyến được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng mạng Internet. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, dùng công nghệ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện, ngăn chặn các nguồn lừa đảo, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy: Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.

Tháng 6,7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động và đẩy mạnh Chiến dịch “Tháng Hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” để tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vấn đề lừa đảo trực tuyến. Cục An toàn Thông tin cùng thành viên “Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng” đã công bố chi tiết 24 hình thức lừa đảo trực tuyến tiềm ẩn trên không gian mạng, để mọi người biết và phòng tránh. Thông tin chi tiết, cụ thể về 24 trường hợp lừa đảo phổ biến có tại địa chỉ website của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (https://khonggianmang.vn/news/24-hinh-thuc-lua-ao-dien-ra-tren-khong-gian-mang-viet-nam.25/).

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng tập sự, Cục An toàn thông tin chia sẻ: 24 chiêu trò lừa đảo này có nội dung, hình thức lừa đảo không mới, tuy nhiên đối tượng bị lừa đảo trực tuyến đã dịch chuyển mạnh sang nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và trẻ em. Hiện nay, công nghệ phát triển nhanh, điện thoại thông minh đã phổ cập đến nhóm đối tượng kể trên. Những đối tượng này mới được tiếp cận công nghệ, khả năng nhận diện dấu hiệu lừa đảo tương đối thấp nên trở thành đối tượng để các nhóm lừa đảo tài chính trực tuyến tập trung vào. Bên cạnh đó, công nghệ phát triển nhanh, các nhóm lừa đảo tận dụng để hình thành các hệ thống tổ chức lừa đảo nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.

Ông Trần Quang Hưng khẳng định, nguyên nhân sâu xa để lừa đảo trực tuyến tiếp tục diễn ra là các hình thức lừa đảo chưa được cập nhật được sớm, phổ cập rộng rãi để người dân cảnh giác hơn. Cục An toàn Thông tin đã biên soạn tài liệu chuyên biệt có tên gọi “Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” và đăng tải công khai trên mạng internet, nhiều kênh thông tin với mong muốn người dân tiếp cận được đầy đủ về các trường hợp, tình huống lừa đảo, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân và người xung quanh không mắc bẫy lừa đảo.

Ông Trần Quang Hưng cho biết thêm, trước đây, khi xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới phải một thời gian sau cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này mới nắm được thông tin. Hiện nay, người dân đã nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo trực tuyến thông qua Cổng Không gian mạng quốc gia…, từ đó cơ quan chức năng kịp thời phát đi các thông tin cảnh báo, ngăn chặn, giảm thiểu lừa đảo trực tuyến. Đây là những chuyển biến nhận thức, hành động quan trọng của người dân để chung tay phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Ngọc Bích (TTXVN)
Ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo hơn 313 triệu đồng qua điện thoại
Ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo hơn 313 triệu đồng qua điện thoại

Ngày 25/8, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết vừa ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo qua điện thoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN