Sức khỏe 5 bệnh nhân ổn định, tình trạng bỏng nhiều nơi trên cơ thể như vùng mặt, cổ, ngực, tay và gối… Hai bệnh nhân đã được xuất viện vào chiều 10/4. Ba bệnh nhân còn lại, trong đó có một cháu bé 5 tháng tuổi đang được theo dõi, tích cực điều trị, chăm sóc, thay băng, chống nhiễm trùng và truyền dịch bù nước.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Trực, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bỏng do pháo nổ, xăng, điện hoặc bỏng gas, trong đó, bình/bếp gas mini có nguy cơ gây cháy nổ cao. Bác sĩ Nguyễn Minh Trực khuyến cáo người dân không dùng bình gas, bếp gas mini trong phục vụ bữa ăn hàng ngày, có thể dùng các thiết bị như bếp điện từ để an toàn hơn khi sử dụng.
Trước đó, trưa 9/4, một gia đình ở thôn 2 (xã Ea Tiêu) tổ chức ăn uống với khoảng 20 người tham dự. Khoảng 12 giờ 30 phút, khi đang nấu lẩu, một bình gas mini bất ngờ phát nổ khiến 7 người bị bỏng nhiều nơi trên cơ thể.
Sau khi xảy ra vụ việc, các nạn nhân được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, Bệnh viện Việt Đức sơ cứu rồi chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Một bệnh nhân được người nhà xin xuất viện để đưa đi điều trị tại tỉnh Gia Lai, một bệnh nhân đã xuất viện ngày 9/4. Sau khi nhập viện, các bệnh nhân đã được các bác sĩ kịp thời cấp cứu, điều trị. Các bệnh nhân bị bỏng độ 1, độ 2.
Chị Đặng Thị Hồng Nhung (sinh năm 1994, trú thôn 7, xã Ea Tiêu) cùng con nhỏ 5 tháng tuổi đều bị bỏng. Chị Nhung cho biết, trưa 9/4, chị cùng con đến nhà bạn ăn tiệc, cách nhà 5 - 7 km. Qua nhà bạn được khoảng 30 phút, lúc mọi người vừa ăn vừa nói chuyện, bất ngờ bình gas mini (trong bếp gas đang nấu lẩu) văng ra khỏi bếp, bén lửa bàn bên cạnh và phát nổ, gây bỏng cho 7 người, chủ yếu là phụ nữ. Theo chị Nhung, thời tiết nắng nóng, cùng với vết bỏng gây rát, khó chịu. Được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tích cực điều trị, chị Nhung mong hai mẹ con nhanh chóng khỏe lại, không gây di chứng để sớm được xuất viện.