Các xe tải chở đất lưu thông trên quốc lộ đã gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đường Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Như Bình /TTXVN |
Được biết, tuyến quốc lộ 91C được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trở thành tuyến huyết mạch nối liền từ trung tâm thành phố Bạc Liêu đến thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), tạo điều kiện thuận lợi cho người lưu thông, vận chuyển giao thương hàng hóa.
Tuy nhiên, khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng, người dân sống hai bên tuyến quốc lộ 91C và người tham gia giao thông rất búc xúc với tình trạng hằng ngày có hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ của các doanh nghiệp vận chuyển đất phục vụ việc san lấp mặt bằng lưu thông, gây bụi mù mịt. Chưa kể, những chiếc xe này còn chạy với tốc độ cao, làm rơi vãi đất xuống mặt đường.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu cho biết: Từ khi những chiếc xe tải chở đất này xuất hiện, cuộc sống của rất nhiều gia đình bị đảo lộn. Nhiều ngôi nhà ven đường luôn phải đóng kín cửa hoặc che bạt ni lông phủ kín các đồ đạc trong nhà nhưng vẫn không tránh được bụi dày đặc.
Đường Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ảnh: Như Bình/TTXVN |
Người dân còn cho biết thêm, hằng ngày, vào khoảng sau 16 giờ, nhiều xe tải chở đất chạy với tốc độ kinh hoàng khiến nhiều người dân lo lắng, trẻ em không dám ra đường bởi nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông luôn rình rập.
Theo ghi nhận của phóng viên, việc xe tải chở đất san lấp mặt bằng trên đã xuất hiện ở Bạc Liêu nhiều năm qua. Trước đây, các xe tải thường chở cát hoặc đất được đào lên từ những công trình xây dựng rồi chở sang nơi khác. Gần đây, do giá cát san lấp mặt bằng trên thị trường tăng mạnh, người dân chuyển sang san lấp mặt bằng bằng đất.
Để có đất bán phục vụ san lấp mặt bằng, nhiều hộ đã bán đất ruộng cho các chủ san lấp mặt bằng. Cứ vào mùa khô, hình thức mua bán này diễn ra tràn lan trên các cánh đồng vùng ven ngoại ô thành phố Bạc Liêu và các trung tâm huyện, thị. Việc bán đất mặt ruộng làm đất mất đi độ màu mỡ, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng bán đất mặt ruộng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn có chiều hướng gia tăng.
Điều đáng nói là, việc bán đất mặt ruộng và chở đất trên quốc lộ gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra trong thời gian dài, người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương và những đơn vị san lấp mặt bằng. Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn chưa được chấn chỉnh. Các ngành chức năng thành phố Bạc Liêu cần sớm có giải pháp xử lý, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân sống dọc tuyến quốc lộ 91C.