Chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện cơ giới nên chưa có giấy phép lái xe, nhưng Cù T.A vẫn chở theo người bạn chạy xe với tốc độ cao, đánh võng trên đường trong tình trạng “4 không”: không mũ bảo hiểm, không gương chiếu hậu, không giấy tờ, không biển kiểm soát. T.A cho biết, ngày đi làm, cứ đến tối rảnh rang lại lấy xe rủ bạn ra đường chơi. Theo cậu bé này, trước đây khi chưa có xe máy, T.A được các anh lên tận nhà đón đi. Đi làm có tiền, T.A mua chiếc xe Dream này được hơn một tháng và thường tự mình điều khiển phương tiện.
Bị đội tuần tra kiểm soát giao thông của Công an thành phố Việt Trì phát hiện, lập biên bản xử lý, ngồi trước mặt Công an, cậu bé tỏ ra là người ngoan ngoãn. Khi được hỏi về các lỗi vi phạm của mình, T.A nói vanh vách và nhận thức được hành vi của mình là sai, điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng như vậy sẽ gây nguy hiểm cho người khác, sợ bị Công an bắt và xử lý, nhưng đến khi được hỏi về cảm xúc và vì sao biết sai, biết vi phạm mà vẫn làm thì cậu im lặng. Hành vi vi phạm của cậu bé này, gia đình không hề hay biết. Để khoe “thành tích” với chúng bạn, đó là những đích của những đứa trẻ, chúng muốn thể hiện mình.
Từ sau Tết nguyên đán Canh Tý, đặc biệt là trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập đông người, có biểu hiện đua xe, lạng lách, đánh võng xảy ra ở khá nhiều địa phương. Điển hình như Công an thành phố Việt Trì trong 5 tháng đầu năm đã xử lý 178 trường hợp, phạt tiền gần 400 triệu đồng, tạm giữ 143 phương tiện.
Thiếu tá Trần Quý, Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Việt Trì cho biết, Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động trong quá trình tuần tra đêm, xử lý những thanh, thiếu niên lạng lách, đánh võng, điều khiển xe chạy bằng một bánh. Các trường hợp này thường tập trung ở độ tuổi từ 14 đến 18, rơi vào những trường hợp gia đình có hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau, đi nước ngoài, làm công nhân, thợ xây đi làm ăn xa, sự quản lý của gia đình còn lỏng lẻo.
Qua công tác kiểm tra, phát hiện vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông một mặt mời đại diện gia đình lên để thông báo lỗi vi phạm của từng đối tượng và răn đe, giáo dục, xử phạt, mặt khác, thông báo cho Sở Giáo dục, chính quyền địa phương và nhà trường để cùng tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Theo Thiếu tá Hà Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Việt Trì, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung chủ yếu vào kiểm tra nồng độ cồn và các trường hợp thanh, thiếu niên tụ tập đông người, có biểu hiện đua xe, lạng lách, đánh võng.
Để đạt được bình ổn như hiện nay là cả một quá trình. Thời gian 2-3 tháng sau Tết nguyên đán, cũng như tình trạng chung của toàn quốc, tại thành phố Việt Trì, cứ tối đến có những nhóm thanh, thiếu niên từ 10 – 20 người điều khiển phương tiện với tốc độ cao, nẹt pô, rồ ga, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông phải mất tới một tháng triển khai quyết liệt, triệt để, tình hình mới tạm ổn trở lại, chỉ còn tồn tại 1-2 trường hợp nhỏ lẻ.
Trong quá trình tham gia vây bắt đối tượng, Công an thành phố luôn thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi, đồng thời đảm bảo an toàn cho người vi phạm. Bên cạnh lực lượng công khai, Cảnh sát giao thông hóa trang, mặc thường phục, tổ chức các tổ chống quay đầu.
Đa số trường hợp là học sinh, bốc đồng, theo trào lưu trên mạng. Mặc dù nhìn thấy Cảnh sát thì rất sợ nhưng vẫn thực hiện vì theo "trend", Thiếu tá Hà Tiến Dũng nói.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 125 vụ với 1.148 đối tượng tụ tập điều khiển xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự công cộng và có dấu hiệu đua xe trái phép. Riêng đợt tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ ngày 15/5 đến ngày 14/6/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 448 trường hợp lạng lách, đánh võng, điều khiển xe chạy bằng một bánh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ, 58 đối tượng; trong đó, Hà Nội có 4 vụ với 48 đối tượng, Đà Nẵng có 1 vụ với 9 đối tượng, Đồng Nai 1 vụ, 1 đối tượng. Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm và huyện Đông Anh (Hà Nội) đã mở 3 phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 30 bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng.
“Tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập chạy xe mô tô tốc độ cao, lạng lách, đánh võng và có dấu hiệu đua xe và chống người thi hành công vụ xảy ra ở một số địa phương, lực lượng chức năng đã xử lý nhưng vẫn còn tồn tại; đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ việc đám đông thanh, thiếu niên mang hung khí chạy xe máy trên đường, uy hiếp an toàn giao thông và trật tự xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ khi bắt đầu cả nước tập trung chống dịch COVID-19, một bộ phận người tham gia giao thông cho rằng lực lượng chức năng tập trung chống dịch bệnh, giảm tuần tra, xử phạt, dẫn đến tâm lý chủ quan, kinh nhờn pháp luật, ngang nhiên lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, sai phần đường, làn đường, lạng lách, đua xe trái phép, lái xe vượt đèn đỏ, đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm… gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông có hậu quả rất nghiêm trọng.
Một trong những nhiệm vụ đặt ra với Bộ Công an tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý III và 6 tháng cuối năm 2020 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức, đó là chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung phát hiện, xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất trong quy định pháp luật đối với các hành vi tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cương quyết trấn áp, trừng trị những đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ.