Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt Lào được xây dựng năm 1976, tại Khối 4 thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là nghĩa trang lớn nhất quy tập phần mộ các liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào; cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia Việt Nam – Lào, là công trình biểu tượng cho tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc anh em.
Video do phóng viên Tin tức ghi nhận tại nghĩa trang đặc biệt này vào đầu tháng 1/2024:
Nghĩa trang đặc biệt này là nơi yên nghỉ của 10.804 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào, trong số đó có 173 người con quê hương Hà Tĩnh.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, đại diện Ban quản lý nghĩa trang cho biết, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong, lúc đó đang ở Vinh, ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4/9/1945. Và ngày 30/10/1945 chính là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ thắm thiết, keo sơn giữa hai dân tộc Việt – Lào.
Vào ngày này, Chính phủ Lào Ít-xa-la và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức ký kết bản “Hiệp định hợp tác tương trợ Việt - Lào” và quyết định thành lập “Liên quân Lào - Việt”, nhằm bảo vệ nền độc lập ở mỗi nước mà hai dân tộc vừa giành được. Hiệp định và quyết định trên là cơ sở pháp lý đầu tiên thể hiện mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc với tư cách hai nhà nước độc lập.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, đã luôn kề vai, sát cánh vừa chiến đấu chống quận xâm lược; vừa xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào.
Các liệt sĩ tại Nghĩa trang đặc biệt này là người con của những mảnh đất: Nghệ An,Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang… Các anh đã mang sức trẻ của mình cống hiến cho đất nước bạn, cũng là một cách để bảo vệ đất nước Việt Nam. Hàng năm, đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Quân khu IV tổ chức hàng chục đội quy tập trên khắp những ngả đường Trường Sơn, vùng thượng Lào, Savannakhet.
Thăm viếng nghĩa trang, nhiều người đã lặng lòng trước 6.900 phần mộ chưa rõ tên và quê; 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê. Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại đã nhiều năm, nhưng những tấm bia mộ vô danh còn đó như là những câu hỏi lớn đau đáu trong tim: Các anh là ai? Quê quán từ đâu tới? Bao giờ mới đưa được các anh về trong lòng đất Mẹ?
Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976, nằm sát Quốc lộ 7 đường lên cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào). Đến năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tập tại đây.
Nghĩa trang có 10 hạng mục công trình, với 2 khu: Khu A và khu B (tổng cộng với 19 khu mộ). Trong đó, khu A gồm 9 lô liệt sỹ với tổng số 5.1 mộ. Khu B gồm có 13 lô mộ liệt sỹ với tổng số 5.219 mộ và một lô mộ tử sỹ có 11 mộ. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.
Trong khuôn viên nghĩa trang được đắp hai bức phù điêu mỗi bức cao gần 4m, dài 20m (ảnh), thể hiện hình ảnh của bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathét Lào dũng cảm, hiên ngang, kề vai sát cánh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù chung vì hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc. Đó còn là hình ảnh những người mẹ, người vợ tiễn con, tiễn chồng ra trận với ánh mắt dõi theo trìu mến, thân thương.
Đại diện cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Nghi Thủy về dâng hương hôm nay, anh Nguyễn Đắc Tuấn, Bí thư Đoàn phường chia sẻ: Chương trình về nguồn và Lễ chào cờ đầu tháng của Tuổi trẻ Nghi Thủy được duy trì hàng năm. Là lớp trẻ thế hệ kế cận, thông qua hoạt động đầy ý nghĩa này, Tuổi trẻ Nghi Thủy nguyện cố gắng tiếp tục phát huy truyền thống của đất nước anh hùng, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tuổi trẻ, phát huy tối đa sức trẻ, khát vọng, tiên phong, sáng tạo, xung kích và trách nhiệm của tuổi trẻ, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Thông tin thêm về công tác quản lý tại đây, đại diện Ban Quản lý nghĩa trang cho biết, Ban quản trang hiện có 7 người. Gắn bó ở đây cán bộ quản trang đã quen thuộc từng lối mộ, nắm rõ từng vị trí, số hiệu của từng phần mộ.
Với những ngôi mộ chưa biết tên, không người thân thăm viếng thì đơn vị xem các anh như người thân, chăm sóc một cách chu đáo. Như công việc hằng ngày, chuẩn bị lễ tri ân thắp nến, các phần mộ nơi đây được ban quản trang lau dọn sạch sẽ; Hàng cây được cắt tỉa gọn gàng, các ngôi mộ được chăm sóc sạch sẽ.
Đặc biệt, để chăm sóc các mộ phần của liệt sĩ, học sinh của 7 trường THPT và THCS ở huyện Anh Sơn kết nghĩa với Ban Quản lý nghĩa trang, cũng đã thay phiên nhau đến lau dọn sạch sẽ các khu mộ. Việc làm này cũng chính là công tác giáo dục cho các em học sinh về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình cảm thiêng liêng đối với người đã ngã xuống, lòng tự hào dân tộc và yêu hơn nước Việt thân yêu.
Năm tháng qua đi, nghĩa trang đặc biệt này luôn được tôn tạo và trở thành chốn đi về của thân nhân liệt sỹ và cũng là địa điểm gần gũi của người dân quanh khu vực. Hàng năm, Ban Quản lý nghĩa trang đón tiếp hàng vạn khách đến thắp hương, thăm viếng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng cho cả hai dân tộc.
Dù có tên trên bia đá hay không, các anh cũng mãi mãi không bao giờ vô danh!
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại nghĩa trang quốc tế Việt-Lào: