Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc phỏng vấn với tờ Krasnaya Zvezda nhân Ngày Lực lượng Tên lửa Chiến lược 17/12, ông Karakayev cho biết những vụ phóng tầm bắn tối đa đã được tiến hành ở nước Nga hiện đại để đánh giá sự phù hợp của loại vũ khí này với các yêu cầu đã được đặt ra trước đó. Ông tiết lộ những vụ phóng này từng được thực hiện ở vùng biển Thái Bình Dương.
“Theo các mục tiêu chiến thuật và kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Nga, đây là giai đoạn cần thiết trong quá trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. Chúng được thiết kế chính xác cho mục đích này, để có thể vươn tới bất kỳ ngóc ngách nào trên hành tinh. Về tầm bắn, không có nơi nào mà tên lửa của chúng tôi không thể vươn tới”, Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga nhấn mạnh.
Đại tá Karakayev cũng tuyên bố các vụ phóng tên lửa ở tầm xa tối đa được lên kế hoạch như một phần của các cuộc thử nghiệm bay cấp nhà nước đối với các hệ thống tên lửa tiên tiến. Ông cho biết Nga có thể tăng cường cường tần suất thử nghiệm vũ khí tên lửa tiên tiến nếu các mối đe dọa bên ngoài gia tăng.
Đặc biệt, ông Karakayev lần đầu công khai xác nhận Nga đang phát triển hệ thống ICBM mới mang tên Osina. Theo ông, việc đưa Osina cùng một số hệ thống khác vào hoạt động chiến đấu là ưu tiên hàng đầu.
Ông cho hay Nga cũng đang hoàn thiện phát triển các hệ thống tên lửa tương tự tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung mới Oreshnik. Hôm 16/12, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ sớm sản xuất hàng loạt loại tên lửa này.
Hồi tháng 11, Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa Oreshnik để đáp trả việc Kiev sử dụng tên lửa của Mỹ và Anh chống lại Nga.
Ông Karakayev nói rằng chương trình phát triển vũ khí mới của Nga sẽ xem xét nhiều lựa chọn khác nhau để phát triển vũ khí tấn công chiến lược. Moskva cũng sẽ tính toán các động thái của Mỹ sau khi Hiệp ước vũ khí hạt nhân New START giữa hai nước hết hạn vào năm 2026.
Hồi tháng 10, truyền thông Nga đưa tin Moskva sẽ không gia hạn hiệp ước New START, hiệp ước cuối cùng của những nỗ lực kiểm soát cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các siêu cường thời Chiến tranh Lạnh. Ông Karakayev cho biết Nga không loại trừ khả năng tăng số lượng đầu đạn trên các tên lửa được triển khai sau khi hiệp ước New START hết hạn, để đáp trả các hành động tương tự của Mỹ.
Tuy nhiên, ông nói rằng Moskva và Washington vẫn tiếp tục thông báo cho nhau trước 24 giờ về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã được lên kế hoạch.
Theo chỉ huy Karakayev, lực lượng tên lửa chiến lược của Nga luôn được đảm bảo sở hữu nhiều hệ thống tên lửa di động.
“Các sư đoàn tên lửa được trang bị hệ thống tên lửa di động sẽ là phương tiện quyết định gây ra thiệt hại tàn khốc cho đối phương trong một cuộc tấn công trả đũa do khả năng cơ động và khả năng sống sót cao, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”, ông nói.