Theo tờ Politico ngày 19/12, với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng trong vài tuần nữa và nền kinh tế của châu Âu đang ngày càng suy thoái, nền tảng tạo nên sự thịnh vượng của khu vực này không chỉ đang xuất hiện những vết nứt mà còn có nguy cơ sụp đổ.
Nền kinh tế châu Âu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trong những thập kỷ gần đây nhờ vào sự mở rộng về phía Đông của khối và nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa của họ từ châu Á và Mỹ. Nhưng khi sự bùng nổ kéo dài của Trung Quốc đang dần lắng xuống và căng thẳng thương mại với Washington làm lu mờ bức tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương, thì những ngày tươi đẹp rõ ràng đã kết thúc.
Những "cơn gió ngược" kinh tế đang quét qua lục địa này đe dọa sẽ khuấy động thành một cơn bão hoàn hảo trong năm tới khi chính quyền Trump 2.0 không bị kiềm chế đang nhắm đến châu Âu. Ngoài việc áp thuế mới đối với mọi thứ từ rượu vang Bordeaux (Pháp) đến Brioni (nhà may vest Italy được tổng thống đắc cử Mỹ thích), ông Trump chắc chắn sẽ củng cố yêu cầu của mình rằng các nước NATO phải chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng của chính họ hoặc mất đi sự bảo vệ của Mỹ.
Điều đó có nghĩa là các nước châu Âu, vốn đang phải vật lộn để kiểm soát tình trạng thâm hụt gia tăng trong bối cảnh doanh thu thuế đang giảm sút, sẽ phải đối mặt với những căng thẳng tài chính lớn hơn nữa, vốn có thể gây ra thêm nhiều biến động chính trị và xã hội.
Suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại có thể đến rồi đi, nhưng điều khiến thời điểm này trở nên nguy hiểm đối với sự thịnh vượng của châu Âu liên quan đến sự thật khó chịu nhất: EU đã trở thành một vùng "sa mạc" của đổi mới. Mặc dù châu Âu có lịch sử lâu đời về những phát minh gây kinh ngạc, bao gồm những đột phá khoa học mang lại cho thế giới mọi thứ từ ô tô đến điện thoại, radio, truyền hình và dược phẩm, nhưng châu lục này hiện đã trở thành nơi "bị bỏ lại phía sau".
Từng được coi là khu vực có công nghệ ô tô tiên tiến, châu Âu ngày nay không có một thương hiệu nào trong số 15 loại xe điện bán chạy nhất. Như cựu Thủ tướng Italy và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mario Draghi đã lưu ý trong báo cáo gần đây của ông về khả năng cạnh tranh đang suy yếu của châu Âu, chỉ có 4 trong số 50 công ty công nghệ hàng đầu thế giới là của châu Âu.
Nếu châu Âu vẫn tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, tương lai của lục địa này cũng sẽ mang màu sắc Italy: "Một bảo tàng ngoài trời đổ nát, tuy đẹp với khách du lịch Mỹ và Trung Quốc, nhưng bên trong lại ngập trong nợ nần". Như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thừa nhận vào tháng 11 vừa qua: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ công nghệ thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là nhờ những tiến bộ trong đổi mới kỹ thuật số và không giống như trước đây, Châu Âu không còn đi đầu trong tiến trình này nữa”.
Phát biểu tại trường Collège des Bernardins có từ thời trung cổ ở Paris (Pháp), bà Lagarde cảnh báo rằng mô hình xã hội được ca ngợi của châu Âu sẽ gặp rủi ro nếu không nhanh chóng thay đổi hướng đi: “Nếu không, chúng ta sẽ không thể tạo ra được sự giàu có cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng nhằm đảm bảo an ninh, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”.
Ông Draghi thậm chí còn thẳng thắn hơn: “Đây là một thách thức hiện sinh”.
'Nền tảng kinh tế' suy yếu
Thật không may, việc sửa chữa cơ sở hạ tầng kinh tế của châu Âu nói thì dễ hơn làm. Với việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng và đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ, châu Âu chưa bao giờ phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ chính sách thương mại của Mỹ.
Nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế lên tới 20% đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu, ngành công nghiệp châu Âu sẽ phải chịu một đòn giáng đau đớn. Với hơn 500 tỷ euro xuất khẩu hàng năm sang Mỹ từ EU, Mỹ là điểm đến quan trọng nhất đối với hàng hóa châu Âu.
Vì lý do nào đó, châu Âu dường như đã không làm gì nhiều để chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump. Phản ứng đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sau khi tái đắc cử là đề xuất hâu Âu mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Điều đó có thể làm ông Trump hài lòng trong một thời gian, nhưng đó khó có thể là một chiến lược.
Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Ifo có trụ sở tại Munich (Đức), một tổ chức tư vấn kinh tế hàng đầu, cho biết: "Việc các nhà lãnh đạo châu Âu không rút ra được bài học từ nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Trump hiện đang quay trở lại ám ảnh chúng ta" .
Chuyên gia Fuest lạc quan rằng ông Trump có thể không phải là tin xấu đối với EU. Ví dụ, nếu ông Trump thực hiện kế hoạch gia hạn cắt giảm thuế lớn cho người giàu và áp dụng thuế quan mới, lạm phát ở Mỹ có thể tăng vọt, buộc lãi suất tăng cao hơn. Điều đó sẽ làm đồng đô la Mỹ mạnh hơn, có lợi cho các nhà xuất khẩu châu Âu khi họ chuyển đổi doanh thu của mình tại Mỹ trở lại. Ông Trump cũng có thể cởi mở hơn trong đàm phán thương mại với châu Âu để tránh hoàn toàn một đợt áp thuế mới.
Tuy nhiên, cảm nhận chung của ngành công nghiệp châu Âu về vị tổng thống Mỹ sắp tới là sự lo ngại, phần lớn là vì các giám đốc điều hành vẫn cảnh giác từ quá khứ. Năm 2018, ông Trump đã áp thuế đối với thép và nhôm của châu Âu và vẫn giữ nguyên. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý đình chỉ các mức thuế đó cho đến tháng 3/2025, mở đường cho một cuộc đối đầu khác với chính quyền Trump mới ngay trong những tuần đầu khi ông nhậm chức. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu đã cảnh báo rằng một đợt thuế quan mới có thể vừa làm bùng phát lại lạm phát vừa làm suy yếu cơ bản thương mại toàn cầu.
Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank của Đức, gần đây đã phát biểu : "Nếu chính quyền Mỹ moới thực hiện lời hứa này, chúng ta có thể chứng kiến một bước ngoặt đáng kể trong cách thức tiến hành thương mại quốc tế" .
Thật không may, thách thức mà ông Trump gây ra chỉ là triệu chứng của những vấn đề sâu xa hơn nhiều. Mặc dù EU tập trung vào ông Trump và những gì ông có thể làm tiếp theo, nhưng khi nói đến nền kinh tế châu Âu, ông không phải là vấn đề thực sự. Cuối cùng, tất cả những gì ông Trump đang làm với các mối đe dọa thuế quan dai dẳng của mình là vén bức màn về mô hình kinh tế mong manh của châu Âu.
Nếu châu Âu có nền tảng kinh tế vững chắc hơn và có khả năng cạnh tranh hơn với Mỹ, ông Trump sẽ có ít ảnh hưởng ở châu lục này.
Mức độ mà châu Âu đã mất đi vị thế so với Mỹ về khả năng cạnh tranh kinh tế kể từ đầu thế kỷ này là rất đáng kinh ngạc. Ví dụ, khoảng cách về GDP bình quân đầu người đã gia tăng đáng kể, chủ yếu là do tăng trưởng năng suất thấp hơn ở EU. Nói một cách đơn giản, người châu Âu không làm việc đủ. Ví dụ, một nhân viên Đức trung bình làm việc ít hơn 20% so với những người đồng cấp ở Mỹ.
Một nguyên nhân khác khiến năng suất lao động của châu Âu giảm sút là do khu vực doanh nghiệp không đổi mới. Chẳng hạn, các công ty công nghệ Mỹ chi nhiều hơn gấp đôi so với các công ty công nghệ châu Âu chi cho nghiên cứu và phát triển, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong khi các công ty Mỹ đã chứng kiến mức tăng 40% về năng suất kể từ năm 2005, thì năng suất trong công nghệ châu Âu lại trì trệ.
Khoảng cách đó cũng thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán: Trong khi định giá thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2005, thì định giá của châu Âu chỉ tăng 60%. “Châu Âu đang tụt hậu trong các công nghệ mới nổi có thể thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai”, bà Lagarde cho biết trong bài phát biểu tại Paris.
Nói như vậy là còn quá khiêm tốn. Châu Âu không chỉ tụt hậu mà còn không thực sự có mặt trong cuộc đua. Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Lisbon năm 2000, các nhà lãnh đạo đã quyết tâm biến “nền kinh tế châu Âu trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới”. Một trụ cột chính của cái gọi là Chiến lược Lisbon là “bước nhảy vọt quyết định trong đầu tư cho giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo”.
Một phần tư thế kỷ sau, châu Âu không những không đạt được mục tiêu mà còn tụt hậu so với cả Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu thậm chí chưa bao giờ đạt được mục tiêu chi 3% GDP của khối cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D), động lực chính của đổi mới kinh tế. Trên thực tế, chi tiêu cho nghiên cứu như vậy của các công ty châu Âu và khu vực công vẫn ở mức khoảng 2%, tương đương với mức năm 2000.
Các trường đại học ở châu Âu sẽ là nơi lý tưởng để thúc đẩy đổi mới và nghiên cứu, nhưng ở đây, châu lục này cũng chỉ là một "đội yếu". Trong số các trường đại học hàng đầu thế giới được Times Higher Education đánh giá, chỉ có một trường đại học của EU được xếp hạng trong top 30 - Đại học Kỹ thuật Munich - và đồng hạng ở vị trí thứ 30. Chuyên gia Fuest thừa nhận khoản đầu tư của châu Âu vào R&D “không chỉ quá ít, mà một lượng lớn còn chảy vào những lĩnh vực không phù hợp”.