Ghi nhận của PV báo Tin tức trong những ngày qua, công tác sàng lọc tại cổng các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh được thực hiện chặt chẽ. Cụ thể, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ngay từ cổng ra vào, bệnh viện đã tổ chức sàng lọc mọi người đến bệnh viện… bằng phiếu sàng lọc số 1: kiểm tra thân nhiệt, dán nhãn dán (sticker) đối với các trường hợp đã kiểm tra sàng lọc và an toàn tại thời điểm kiểm tra, đeo vòng tay đối với người nuôi bệnh, quy định các đối tượng phải mang khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải, vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Nếu trong trường hợp phát hiện có yếu tố dịch tễ, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn đến khu vực sàng lọc tại cổng số 2 của bệnh viện và điền vào phiếu sàng lọc số 2. Sau sàng lọc, trường hợp này thuộc ca nghi nhiễm COVID-19 sẽ được chuyển đến phòng cách ly. Nếu đối tượng không có yếu tố dịch tễ sẽ được dán nhãn và thực hiện việc khám chữa bệnh, thăm bệnh theo quy định của bệnh viện.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp COVID-19 bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, bệnh viện tăng cường công tác sàng lọc tất cả đối tượng vào khuôn viên bệnh viện. Chuỗi hoạt động này giúp bệnh viện rà soát, phát hiện sớm, cách ly, theo dõi điều trị những ca nghi bệnh hoặc ca bệnh, đảm bảo an toàn và giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh trong bệnh viện nói riêng và cộng đồng nói chung”.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc cho biết thêm, mỗi ngày bệnh viện tiếp đón hơn 10.000 lượt người, đòi hỏi công tác sàng lọc phải được thực hiện xuyên suốt 24/7 tại các cổng ra vào của bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện quy định các đối tượng trên phải mang khẩu trang, vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn được đặt tại các thang máy, khu vực chờ khám bệnh, trước các phòng bệnh...
Tương tự, tại bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, tất cả bệnh nhân, thân nhân, học viên, khách đến công tác và nhân viên y tế của bệnh viện trước khi vào cổng đều được các nhân viên y tế của bệnh viện đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ngay tại cổng bệnh viện. BS.CK2 Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, với các trường hợp có các yếu tố nghi ngờ như: sốt, ho, khó thở; tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; đi nước ngoài trong vòng 14 ngày qua; người nước ngoài thì nhân viên y tế tại cổng bệnh viện sẽ tiến hành phát khẩu trang, báo cho Đơn vị Chăm sóc khách hàng, cho bệnh nhân khai tờ khai phiếu điều tra dịch tễ, nếu có yếu tố nguy cơ sẽ kích hoạt quy trình sàng lọc đã ban hành.
Trước đó, Bệnh viện Da Liễu đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; xây dựng quy trình tiếp nhận, sàng lọc và cách ly người bệnh; tổ chức các buổi tập huấn về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus do vi rút SARS-CoV-2 cho tất cả cán bộ, nhân viên nhằm đảm bảo nhận diện và phân loại người bệnh nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 ngay tại cổng vào; chủ động phòng, chống COVID-19 tại nơi làm việc như: tăng cường thông khí môi trường làm việc bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, trang bị quạt hút cho tất cả các phòng khám bệnh; hạn chế sử dụng điều hòa, nếu sử dụng phải chỉnh nhiệt độ 25-27 độ C; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường làm việc bằng dung dịch sát khuẩn 2 lần/ngày...
Từ cuối tháng 2, bệnh viện quận Thủ Đức cũng đã chủ động triển khai các công tác tuyên truyền, phân luồng, sàng lọc và xây dựng quy trình, khu cách ly với phương châm “phòng hơn chữa”, sẵn sàng "chiến đấu" nếu dịch bùng phát. Theo đó, ngay từ khu đón tiếp, người bệnh, thân nhân bệnh nhân khi di chuyển trong khuôn viên bệnh viện phải rửa tay bằng dung dịch rửa tay nhanh, phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt để sàng lọc bệnh COVID-19. Tại đây, nếu phát hiện có các yếu tố dịch tễ hoặc các triệu chứng của COVID-19 sẽ được sàng lọc và phân luồng ở cổng để khám tầm soát tại phòng khám số 50 (khu 7 lầu).
Không chỉ bệnh viện công, các bệnh viện, phòng khám tư nhân cũng tổ chức công tác sàng lọc kỹ khi mọi người đến khám. Theo các cơ sở này, rất nhiều người nước ngoài, người có thu nhập cao có xu hướng đến thăm khám khi có các triệu chứng bệnh nên việc tổ chức, phát hiện sớm, cách ly tại các cơ sở này cũng rất quan trọng, nếu bỏ sót sẽ là một mối nguy hiểm rất lớn.
Đại diện Phòng khám đa khoa quốc tế Columbia Asia Sài Gòn (quận 1) cho hay, trung bình một ngày đơn vị này khám 40 -50 bệnh nhân, trong đó có khoảng 15- 20 bệnh nhân người nước ngoài. Theo đó, trước khi bệnh nhân được mời vô khám phòng khám sẽ khai thác thông tin dịch tễ của những người đến khám. Qua đó, với những bệnh nhân người nước ngoài, nhân viên y tế yêu cầu bệnh nhân khai tờ khai y tế và kiểm tra rất kỹ lịch trình của bệnh nhân thông qua hộ chiếu. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ sẽ đưa vào phòng cách ly và gọi điện thoại đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nếu bệnh nhân không đến từ vùng dịch sẽ yêu cầu đeo khẩu trang và khám bệnh bình thường.
Tại buổi kiểm tra về công tác phòng chống dịch bệnh tại một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế ) Lương Ngọc Khuê cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành ở châu Âu, Nam Mỹ và một số quốc gia châu Á khác, công tác theo dõi, sàng lọc và phát hiện người mắc bệnh từ vùng dịch về là hết sức quan trọng; trách nhiệm của các bệnh viện tư nhân là phải chung tay với hệ thống y tế để kiểm soát dịch bệnh và tuyệt đối không được từ chối bất kỳ người bệnh nào khi họ có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19. Ngoài ra, theo ông Lương Ngọc Khuê, các bệnh viện tư nhân cần chuẩn bị phương án ứng phó với tình huống người nghi nhiễm cần phẫu thuật can thiệp cấp cứu nhằm vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh, vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.