Vượt hơn 2.000 km từ thành phố biển Vũng Tàu, chúng tôi đến thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) vào những ngày cuối cùng của năm cũ.
Trái ngược với cái nắng ấm áp của Sài Gòn, cái lạnh ở xứ “cổng trời” đến tê tay tái thịt. Khác với cái náo nhiệt ở đô thị, người Sa Pa lặng lẽ nhu mì, không vồn vã nhưng mến khách.
“Thác tình yêu”, kiệt tác của thiên nhiên |
Người Mông bán mũ thổ cẩm cho khách du lịch bên đường đến Thác Tình yêu. |
Sương giăng trắng và đường mòn uốn lượn từ đỉnh núi “Thác Tình yêu”. |
Mùa xuân đang hối hả tràn về thị trấn Sa Pa- “thủ phủ” của những phiên chợ tình nổi tiếng, có những chàng trai cô gái Mông thổi khèn múa hát tìm bạn trăm năm, nhưng ở “thủ đô sương mù” này, khách thập phương vẫn không ngừng đến đây du lịch.
Ngoài nét riêng sương phủ bao quanh núi Hàm Rồng, du khách đến Sa Pa còn thích “phượt” ra vùng ngoại, leo núi Phan Xi Păng, lên “cổng trời” hay ép mình giữa cheo leo xườn núi ngắm hoa mận trắng.
Những bông hoa trắng với vẻ đẹp tinh khôi.
|
Bản Mông Sìn nhìn từ núi Hàm Rồng. |
Hoa mận nở trắng sườn núi Hàm Rồng. |
Không chỉ có khách ngoại quốc, mà ngay khách trong nước cũng đến đây. Anh Đinh Văn Thắm và chị Nguyễn Thị Hà, vượt hơn ngàn cây số đến Sa Pa để ngắm hoa mận trắng nở và sương mù chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Sa Pa, tôi cảm giác như mình đang đi giữa không trung của trời mây. Đứng từ núi Hàm Rồng, nhìn Sa Pa như bức tranh thủy mặc. Hương hoa mận trắng nở nồng nàn, rất lãng mạn”, anh Thắm cho biết.
Theo chị Lò Pả Chiên, một thiếu nữ Mông bán hàng ăn ở Sa Pa, cho biết: “Càng gần tết, Sa Pa càng lãng mạn. Khách đến đây chủ yếu ngắm hoa mận và mây trời. Họ cũng muốn thưởng thức cái giá lạnh của vùng cao Tây Bắc. Cũng nhờ có du lịch, mà cuộc sống của người dân đã thay da đổi thịt, thị trấn Sa Pa khoác lên mình màu áo mới, không còn đói, đời sống sung túc rồi”.
Chùm ảnh: Mai Thắng