4 năm cho một nỗi đau chưa thể nguôi. Từng người một lặng lẽ đặt hoa, thắp nến và cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân thảm họa động đất và sóng thần.Tình nguyện viên treo những quả bóng hy vọng lên tấm biển treo lời ước nguyện.
|
Một vị khách đang lặng lẽ đọc những dòng thông điệp đầy ý nghĩa.
|
Từng người một lặng lẽ đặt hoa, thắp nến và cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân thảm họa động đất và sóng thần.
|
Một người tham dự chắp tay cầu nguyện cho các linh hồn nạn nhân xấu số trong thảm họa.
|
Trận động đất và sóng thần tháng 3/2011 tại Nhật Bản đã cướp đi mạng sống của gần 20.000 người, trong đó vẫn còn hơn 3.000 người mất tích, gây ra sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm hoạ Chernobyl năm 1986 và để lại hậu quả lâu dài về mặt xã hội. Những ai từng trải qua trận động đất và sóng thần kinh hoàng đó sẽ không bao giờ có thể quên được ký ức đau thương về những điều đã nghe, những gì đã nhìn thấy và trải qua.
Theo ông Suzuki Koichi, Trưởng Ban tổ chức Lễ tưởng niệm Peace On Earth, để khôi phục những khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa, vẫn cần có nhiều thời gian và những gì có thể làm được vào lúc này là tổ chức một buổi lễ tưởng niệm để mọi người xác thực với nhau rằng cần phải tiếp tục hướng về phía trước, tin tưởng vào tương lai.
Ông nói: “Chúng tôi muốn tất cả mọi người hãy tiếp tục ủng hộ cho khu vực Đông Bắc, nơi hứng chịu thiên tai nặng nề vừa qua. Với việc xác nhận lại những gì cần phải làm, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động từ thiện và tiếp nhận những tấm lòng hảo tâm từ trong và ngoài nước”.
Tại một góc nhỏ của công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo, những tình nguyện viên của Peace On Earth đang hoàn tất công đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi chính thức bắt đầu các hoạt động của lễ tưởng niệm. Số lượng tình nguyện viên năm nay tăng hơn so với năm ngoái là minh chứng cho thấy buổi hoà nhạc tưởng niệm cách đây một năm đã gây được tiếng vang và thu hút thêm nhiều người quan tâm.
Ông Suzuki chia sẻ: “4 năm sau thảm họa kép có thể coi là một giai đoạn mới. Ba năm là cái mốc quan trọng và lớn đối với nhiều người. Đợt kỷ niệm 3 năm sau thảm hoạ hồi năm ngoái đã thu hút rất nhiều người tham dự. Thực sự khi bước sang thời điểm năm thứ 4 sau thảm hoạ, câu hỏi đặt ra là các hoạt động tưởng niệm sắp tới sẽ phải tiến hành ra sao? Và rất nhiều người nghĩ rằng sẽ vẫn cần phải tiếp tục nhìn nhận lại những gì đã qua, cầu nguyện cho các nạn nhân. Đối với người Nhật chúng tôi, cái ngày mà 20.000 người đi xa là một ngày quá lớn và nó không được phép quên. Vì lẽ đó mà chúng tôi quyết tâm tổ chức một buổi lễ để mọi người cùng tụ hội về đây để tiếp thêm cho nhau nguồn sức mạnh và niềm tin vượt qua nỗi đau”.
Những cây nến trắng và ngọn lửa yếu ớt chợt tắt vụt trước cơn gió thổi qua. Sinh mệnh con người thật nhỏ bé trước thảm hoạ thiên nhiên như những ngọn nến lất phất trong những cơn gió. Từ trong đổ nát, đất nước Nhật Bản đã gồng mình lên chống đỡ, vượt qua nỗi đau và khôi phục lại cuộc sống, hệt như những gì mà họ đã làm được cách đây 70 năm.
Số lượng người đến đặt vòng hoa, thắp nến và cầu nguyện ngày một đông. Mỗi người một cảm nhận và tâm trạng khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là mong mỏi về một cuộc sống bình yên trên trái đất. Chị Sekine Asuka, một người tham dự lễ tưởng niệm, cho biết: “Tôi đặc biệt quan tâm đến hoạt động từ thiện ủng hộ khu vực Đông Bắc bị sóng thần. Tôi không có người thân ở khu vực Đông Bắc nên rất may là không bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ kép nhưng tôi không hề có cảm giác rằng những gì xảy ở nơi ấy là vấn đề của người khác mà thực sự muốn làm một việc gì đó để ủng hộ. Do vậy, tôi đã đến tham dự sự kiện này”.
Không chỉ thắp nến và cầu nguyện, những người tham dự còn trực tiếp đóng góp tiền từ thiện hoặc ghi lại những lời động viên, ước nguyện gửi đến những người dân ở Đông Bắc Nhật Bản. Các em nhỏ cũng được cha mẹ dẫn đến và tự viết những suy nghĩ của mình về thảm họa kép. Mọi người có thể xin một bức ảnh kỷ niệm và thay vào đó là những dòng chữ do chính mình viết ra với hy vọng ở một nơi xa nào đó, các nạn nhân có thể hiểu được những tâm tư của người còn sống.
Em nhỏ này đang viết thông điệp gửi người dân vùng thảm họa.
|
Một em nhỏ viết lời ước nguyện về hòa bình và hy vọng.
Anh Shinohara Eki ở tỉnh Kanagawa chia sẻ: “Điều tôi mong mỏi là cho dù chục năm hay trăm năm nữa, sẽ không có ai quên những gì đã xảy ra ở Đông Bắc Nhật Bản. Như anh đã thấy, tôi đã mua cái áo này và cả vòng đeo tay khi tham gia vào chương trình khôi phục Đông Bắc có tên gọi ‘thử thách tạo dựng một ngôi nhà chung Đông Bắc’. Mang cái này theo bên mình, tôi đã góp phần vào việc tạo nhận thức cho mọi người về tái sinh các khu vực thảm họa. Tôi thấy rất hạnh phúc vì điều đó”.
Đúng 2 giờ 46 phút, tất cả đều lặng đi trong phút mặc niệm. Đó cũng là thời điểm cách đây tròn 4 năm, cơn sóng thần cao hàng chục mét đã quét đi tất cả những gì trên mặt đất mang về đáy biển sâu. 2 vạn sinh mạng vĩnh viễn đã ra đi chỉ trong chưa đầy nửa tiếng.
Đúng 2 giờ 46 phút, tất cả nghiêm trang dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân trận động đất và sóng thần cách đây tròn 4 năm.
|
Số lượng người đến đặt vòng hoa, thắp nến và cầu nguyện ngày một đông. |
Các nghệ sĩ tham gia buổi hoà nhạc năm 2014 vẫn tiếp tục góp mặt trong chương trình kỷ niệm lần thứ 4 của Peace On Earth năm nay. Những người tham dự đã có dịp được nghe những chia sẻ từ đáy lòng của họ sau 4 năm tham dự buổi hoà nhạc nhiều ý nghĩa này.
Những bó hoa tưởng niệm đầu tiên được đặt lên án.
|
Đâu đó đã có những giọt nước mắt thầm kín không dễ gì nhận ra. |
Tiếng vĩ cầm như gieo vào lòng người nghe những giọt nước mắt thấm đẫm nỗi buồn và sự sẻ chia.
|
Bản thân mỗi con người cần phải sống ra sao, đất nước Nhật Bản sẽ như thế nào trong tương lai, mọi người phải làm gì để xoa dịu những nỗi đau do thiên tai, chiến tranh và thảm họa. Đó là những vấn đề mà các những người tham dự đề cập đến trong buổi giao lưu với khán giả chiều 11/3.
Tiếng vĩ cầm như gieo vào lòng người nghe những giọt nước mắt thấm đẫm nỗi buồn và sự sẻ chia. Đâu đó đã có những giọt nước mắt thầm kín không dễ gì nhận ra. Nỗi buồn đó đang được những người còn sống thay thế bằng những hành động thiết thực đầy tính nhân văn để ký ức về những sinh mệnh bị cơn sóng thần hung dữ cướp đi sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Hữu Thắng (
P/v TTXVN tại Nhật Bản)