Chùa Giác Lâm được xây dựng vào thế kỷ XVIII là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Chùa tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, Phường 10, quận Tân Bình.
Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, xây dựng vào năm 1744 (năm thứ bảy đời chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát), và còn có các tên khác như Cẩm Sơn, Sơn Can, Cẩm Đệm.
Năm 1772 hòa thượng Viên Quang tới trụ trì rồi đổi tên chùa là Giác Lâm. Từ khi xây dựng đến nay chùa đã được trùng tu 3 lần vào những năm 1799-1804; 1906-1090 và đầu năm 1999.
Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia được trao bằng vào ngày 28/12/1989. Hiện nay, ngôi chùa này được xem là Tổ đình của dòng lâm Tế ở miền Nam.
Chùa Giác Lâm được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Tam, gồm 3 lớp chính: chính diện, giảng đường và tăng xá; chính diện với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính, chùa nguyên thủy không có cổng tam quan, mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng.
Đặc biệt chùa có 2 bộ tượng Thập bát La Hán và 2 bộ tượng Thập điện Diêm Vương, bên trong chùa còn 113 ngôi tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, các cột chính của chùa đều có khắc câu đối, chữ thếp vàng, khung viền được chạm trổ công phu các loại hoa mai, hoa cúc.
Kiến trúc chùa Giác Lâm được coi là tiêu biểu cho lối kiến trúc của các chùa Nam bộ. Hàng năm vào những dịp lễ lớn chùa Giác Lâm đón hàng ngàn khách thập phương và khách quốc tế đến tôn kính, tham quan và chiêm ngắm…
Bảo tháp xá lợi gồm 7 tầng hình lục giác nằm ở phía trước chùa.
|
Rất đông du khách quốc tế đến tham quan ngôi chùa cổ.
|
Mái chùa gồm 4 vạt và các sống mái đều thẳng.
|
Các cột chính phía trong ngôi chùa cổ đều có khắc câu đối, chữ thếp vàng được chạm trổ công phu.
|
Bộ tượng Thập bát La Hán.
|
Ngôi chùa mang đến cho du khách cảm giác thanh tịnh, bình an.
|
Lê Linh