Cứ đến chiều 30 Tết cổ truyền hàng năm, đồng bào vùng Thái trắng thuộc thượng nguồn sông Đà ở Quỳnh Nhai, Phù Yên, Ngọc Chiến (Sơn La), Mường Lay (Điện Biên), Phong Thổ, Mường Mô, Mường Tè (Lai Châu), Nghĩa Lộ (Yên Bái) lại tổ chức lễ hội Gội đầu.
Trống giục mọi người xuống bến sông gội đầu. Nước gội đầu là những hương liệu dầu quả bồ kết pha lẫn nước vo gạo, cánh hoa rừng để dưỡng cho mái tóc mượt, ít rụng. |
Xuống khúc sông nơi có miếu thờ Nàng Han. |
|
“Áng mây bay trong chậu nước gội đầu”. |
Rửa trôi đi những gì kém may mắn của năm cũ. |
Múa xòe trong lễ hội Gội đầu tại bến Mường Chiên (cũ), huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. |
Theo truyền thuyết, xưa có vị nữ tướng anh hùng tên là Nàng Han, sau khi cầm quân đánh đuổi giặc Phẻ ra khỏi bờ cõi phía bắc, thì cũng là lúc chiều 30 Tết. Nàng Han lệnh cho quân sĩ “gác súng gươm”, xuống sông tắm rửa, gội đầu chuẩn bị đón mừng năm mới hòa bình trở lại.
Trong lễ hội Gội đầu, nhiều nơi còn tổ chức hội đua thuyền, lập lễ cúng Nàng Han, tế thần sông, thần núi cùng nhiều trò chơi dân gian khác ghi nhớ công lao của nữ tướng anh hùng Nàng Han và những anh hùng có công giữ yên bờ cõi, cầu mong cho bản làng được yên vui, cho sức khỏe của từng thành viên trong gia đình và cộng đồng, một năm mới khởi đầu tốt lành.
Lễ hội Gội đầu được tổ chức hiện nay không những để tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc, giữ gìn nét văn hóa truyền thống mà còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Tây Bắc.
Điêu Chính Tới