Có mặt tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ngày 3/7, dễ dàng nhận thấy mực nước xuống thấp hàng chục mét khi dấu vết những chỗ đất trống hiện ra. Nhiều đoạn trong lòng hồ trơ đáy, thuyền của người dân nằm trên những vạt đất nứt nẻ.
Theo số liệu đo đạc mực nước trong lòng hồ của thủy điện Bản Vẽ, trong tháng 6/2019, lưu lượng nước từ thượng nguồn chảy về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trung bình chỉ 20 – 30 m3/s. So với thời điểm này năm ngoái là hơn 130 m3/s; đỉnh điểm thấp nhất là từ ngày 21 - 30/6, lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 20 m3/s. Trong khi đó, do yêu cầu chống hạn cho tháng nắng nóng liên tục vừa qua, lượng nước xả luôn nằm ở mức 150/200 m3/s. Điều này đã khiến mực nước hồ Bản Vẽ xuống thấp.
Anh Lê Quốc Hùng, Phó Quản đốc phân xưởng vận hành, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ cho biết: “Hiện tại, mực nước của hồ là 155,5 m, trên mực nước chết theo quy định là 25 cm. Do lượng nước đổ về hồ ít mà phải xả lượng nước chống hạn lớn nên gây khó khăn cho việc cấp nước cho vùng hạ du theo thực tế và vận hành nhà máy”.
Mực nước thấp ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ cũng gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân. Khu vực lòng hồ Bản Vẽ tại 3 bản Pủng Pón, Con Phen, Tủa Hốc, xã Hữu Khuông, huyện tương Dương cạn trơ đáy, lộ lớp bùn dày khiến việc đi lại, sinh hoạt và vận chuyển nguyên vật liệu, thực phẩm… rất khó khăn. Người dân phải dùng tre, gỗ đặt trên lớp bùn mới đi lại được từ các bản ra bến thuyền.
Anh Kha Văn Phượng, người dân bản Pủng Pón, xã Hữu Khuông cho biết: “3 bản Pủng Pón, Con Phen, Tủa Hốc có hơn 160 hộ dân. Nước hồ Bản Vẽ xuống thấp khiến cuôc sống của bà con nơi đây bị ảnh hưởng. Việc đi lại rất khó khăn và mất thời gian”.
Bà Lô Thị Hoàn, sống ở khu vực lòng hồ Bản Vẽ hàng chục năm qua khẳng định, chưa thấy năm nào hạn hán và mực nước lòng hồ xuống thấp như năm nay. Mực nước thấp khiến việc đánh bắt cá trên hồ cũng khó khăn, ảnh hưởng đến mưu sinh của bà con.
Ông Tạ Hữu Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ cho hay: “Thời gian qua, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An để điều tiết nước chống hạn cho vùng Hạ du. Ngay từ đầu năm, Nhà máy đã chủ động nguồn nước, linh hoạt trong việc xả nước dựa vào tình hình thực tế; đến thời điểm này lượng nước tối ưu trong hồ đã được sử dụng hết để chống hạn.