Thông nước (hay thủy tùng) là loài thực vật cổ sinh, đặc hữu, tồn tại thành quần thể duy nhất ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo và thôn Trấp K’Sơr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, với số lượng còn sót lại 162 cây. Do các cây già cỗi không có khả năng tái sinh trong tự nhiên nên loài thông nước này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Cây thông nước sinh sống trong môi trường sình lầy. |
Quần thể thông nước ở xã Ea Ral, huyện Ea H’leo. |
Một cây thông nước lớn bị chết do thiên tai. |
Để bảo tồn loài thực vật quý hiếm này, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các nhà khoa học tìm nhiều phương pháp nhân giống, bảo tồn nguồn gen thuần chủng như: Nuôi cấy mô, giâm hom và ghép chồi...
Tuy nhiên, việc nhân giống mới chỉ thành công trong phòng thí nghiệm, vườn ươm; khi trồng thực địa gần 260 cây thông nước bằng nhiều phương pháp nhân giống khác nhau tại 2 quần thể ở xã Ea Ral và thônTrấp K’Sơr, cây có biểu hiện sinh trưởng và phát triển chậm, không đều, yếu, bị bệnh, héo dần rồi chết, chỉ còn khoảng 100 cây.
Gần đây, các cán bộ nhân viên Khu bảo tồn thử nghiệm ghép mắt thông nước vào chính phần rễ thở của cây mẹ đang cho kết quả tốt hơn, vết ghép nhanh lành, cây non phát triển nhanh và khỏe, hiện 10 mắt ghép thông nước vào rễ thở trong thời gian 6 tháng đã phát triển cao khoảng 40 - 60 cm, thân, cành mập, lá xanh.
Mặc dù bước đầu đã có kết quả khả quan, nhưng để khẳng định những mắt ghép thủy tùng phát triển thành cây trưởng thành và tồn tại được trong tự nhiên còn nhiều vấn đề đặt ra và cần sự quan tâm hơn nữa của các nhà khoa học.
Cây thông nước nhân giống bằng phương pháp giâm hom trước đây phát triển chậm. |
Mắt ghép vào rễ thở của cây mẹ, nhanh lành vết ghép, lên chồi khỏe. |
Sau 3 tháng khi ghép mắt vào rễ thở, cây phát triển nhanh, thân mập, khỏe và cho chiều cao trung bình từ 40 - 60 cm. |
Quần thể thông nước ở thôn Trấp K’Sơr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng. |
Dương Giang