Tự sự của công dân EU sống tại Anh về Brexit

Có hơn 3 triệu công dân các nước thành viên châu Âu (EU) đang sinh sống học tập và làm việc tại Anh, tuy họ không tham gia vào cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 (giờ địa phương) về Brexit nhưng những băn khoăn, trăn trở về tương lai của họ ở “xứ sở xương mù” đang ngày càng nổi cộm.


Paolo Esposito, một công dân Italy hiện làm việc trong ngành tài chính ở London, bộc bạch anh không lo lắng về việc đi hay ở lại EU của Anh. Nhưng Esposito lập luận rằng sẽ có nhiều hậu quả từ Brexit tới nền kinh tế Anh và “nếu điều đó xảy ra tôi vẫn vượt qua được cơn bão”.



Cô gái trẻ người Romania Raluca Cioroianu chia sẻ khi còn nhỏ cô gặp nhiều khó khăn để du lịch, nhưng khi Bucharest gia nhập EU, Cioroianu đã có thể chuyển tới Anh sinh sống theo đúng ý nguyện. Do vậy, Cioroianu tỏ ra thấy khó hiều về lý do có những người dân Anh muốn rời khỏi cộng đồng đã tạo điều kiện để cô tiếp cận được toàn bộ “lục địa già”. Cô nói: “Tôi đến đây với ý định tốt đẹp, làm việc, đóng thuế, tăng cường hiểu biết, văn hóa và tạo ra một cuộc sống trong mơ. Tôi không hề thấy ngượng ngùng khi nói rằng mình là người Romania”.



Chuyên gia về biến đổi khí hậu người Bồ Đào Nha Catarina Cardoso đang có một tổ ấm hạnh phúc tại Anh cùng phu quân người Đức và 3 thiên thần nhỏ, do vậy, Brexit đã tạo ra sự thay đổi trong cảm xúc của cô về việc là một người nhập cư. Gia đình Cardoso không có ý định rời Anh bởi cuộc sống của họ đang ổn định tuy nhiên Cardoso thổ lộ rằng điều đó hoàn toàn có thể thay đổi khi Anh rời EU.



Cô gái Ba Lan Monika Cyrek, đang cùng mẹ kinh doanh một cửa hàng bán đặc sản quê hương ở Anh, chia sẻ rằng cộng đồng người Ba Lan nhận thấy Brexit khiến họ không được chào đón. Bên cạnh đó, Anh rời EU sẽ khiến việc kinh doanh của cô gặp nhiều khó khăn bởi việc nhập hàng hóa đối mặt với nhiều rào cản hơn.



Nữ nhạc công xinh đẹp người Bồ Đào Nha Vera Pereira đang rất hài lòng với công việc ở dàn nhạc giao hưởng Anh nhưng cô lo ngại Brexit sẽ khiến nền âm nhạc Anh bị tác động. Cô nói: “Dàn nhạc sẽ không đi lưu diễn nước ngoài thường xuyên nữa. Tôi sợ rằng các nước châu Âu khác sẽ không còn được thưởng thức âm nhạc Anh. Trong khoảng 20 năm nữa bạn sẽ thấy kết quả”.



Cô gái Đức Svenja Schumacher đang làm việc tại một công ty tài chính ở Anh ước rằng cô có thể bỏ phiếu trưng cầu ý dân về Brexit: “Tôi thấy thật không công bằng khi không được bỏ phiếu. Tôi có đóng thuế cho đất nước này mà”. Schumacher cũng cho biết lớn lên tại Đức khiến cô cảm thấy mình “châu Âu” nhiều hơn so với người Anh: “Khi còn đi học tôi được tiếp xúc với nhiều học sinh trao đổi người Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Chúng tôi được học nhiều ngôn ngữ của châu Âu, được học về luật của cộng đồng châu Âu...”.



Simeon Simeonov, một nhân viên sửa xe người Bulgaria lại khá thẳng thắn: “Những người Anh muốn rời EU có suy nghĩ như thể họ đang ở thế kỷ trước vậy”. Simeonov đưa vợ và hai con đến Anh để có một cuộc sống nhiều cơ hội hứa hẹn hơn nhưng ông lo ngại Brexit sẽ khiến các con ông gặp nhiều khó khăn khi học tại các trường công ở Anh.



Mihai Marcar, một bồi bàn chăm chỉ người Romania, thổ lộ muốn làm việc tại Anh bất kể kết quả của cuộc trưng cầu ý dân như thế nào. Anh Marcar cũng đưa ra quan điểm cá nhân rõ ràng về vấn đề người nhập cư (một trong những yếu tố tác động đến Brexit) rằng sự thật là có nhiều người nhập cư trái phép nhưng thật không công bằng bởi có nhiều người nhập cư đã cần mẫn làm việc, tuân thủ pháp luật và còn đóng thuế cho nước Anh.



Hà Linh (Theo Reuters)
Cung bậc cảm xúc người Anh với cuộc bỏ phiếu Brexit
Cung bậc cảm xúc người Anh với cuộc bỏ phiếu Brexit

Cuộc cạnh tranh giữa “đi” hay “ở lại” liên minh châu Âu (EU) của Anh diễn ra vô cùng gay cấn với chênh lệch không quá lớn giữa hai luồng quan điểm. Cuộc trưng cầu ý dân về Brexit được đánh giá mang tầm vóc lịch sử của “xứ sở xương mù” và mỗi công dân Anh lại có một cảm xúc riêng về quyết định của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN