EU chia rẽ về chiến lược hậu trưng cầu Brexit

Cho dù kết quả trưng cầu ý dân ngày 23/6 tại Anh như thế nào, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất được chiến lược sau sự kiện này nhằm thúc đẩy trở lại công cuộc xây dựng một châu Âu hợp nhất.

Nước Pháp kỳ vọng có một tín hiệu mạnh để đưa EU ra khỏi bầu không khí u ám cả về mặt kinh tế lẫn chính trị hiện nay. Mới đây, tờ “Le Monde” (Thế giới) dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc đưa ra sáng kiến để ngăn chặn nguy cơ lan rộng “hiệu ứng” Brexit (Anh rời EU), cũng như việc khởi động ngay một dự án mới mang tính tích cực cho châu Âu.

Tuy nhiên, nước Đức lại không lạc quan như vậy. Trên tờ nhật báo “Spiegel” (Tấm gương), Bộ trưởng Tài chính Đức Wolgang Schauble cho rằng nếu xảy ra kịch bản "Brexit", sẽ không thể kêu gọi châu Âu hội nhập hơn nữa. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng cho rằng việc thúc đẩy hội nhập hơn nữa sẽ càng khiến tình hình trở nên rối ren.

Cử tri Anh tới một điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở Little Milton ngày 23/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái độ thận trọng trên là điều dễ hiểu trong bối cảnh các phong trào bài châu Âu, kể cả tại Đức, đang phát triển ngày càng mạnh – được thể hiện qua kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây.

Liên quan vấn đề đồng euro, giữa Paris và Berlin hiện vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Pháp không thể kiềm chế được mức thâm hụt ngân sách và không muốn để một định chế châu Âu giám sát việc này, trong khi Đức dứt khoát không chấp nhận san sẻ các món nợ giữa các nước trong EU.

Chính hai “nút thắt” nói trên đã khiến EU chưa đưa ra được chiến lược vững chắc nào cho giai đoạn hậu trưng cầu ý dân về "Brexit". Không chỉ giữa Paris và Berlin, mà cả nội bộ liên minh cầm quyền ở Đức cũng đang bị chia rẽ giữa một bên là đảng Xã hội Dân chủ, chủ trương hội nhập châu Âu, với bên kia là đảng bảo thủ CDU, đề nghị EU nên trao lại một số quyền cho các quốc gia thành viên để trấn an dư luận hoài nghi về việc châu Âu hợp nhất.

Vì vậy, trong giai đoạn hậu trưng cầu ý dân về "Brexit", các nước châu Âu chỉ có thể đề ra một số sáng kiến hạn chế trong các lĩnh vực ít gây tranh cãi như quốc phòng hay an ninh, song việc thành lập một quân đội châu Âu thì dường như còn rất xa vời.

Một người dân tới điểm bỏ phiếu ở Harpenden. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc muốn Anh ở lại EU

Ngày 23/6, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tôn trọng lựa chọn của người dân Anh trong cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi hay ở lại EU, song cũng hy vọng được thấy một EU mạnh mẽ và ổn định.

Trung Quốc không nêu trực tiếp quan điểm về cuộc trưng cầu dân ý "Brexit", cho rằng đây là vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao nói rằng Trung Quốc đã có hàm ý ủng hộ "ở lại" bằng việc kêu gọi một châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết hơn - điều mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Thủ tướng David Cameron hồi tháng 10/2015 và được Ngoại trưởng Vương Nghị nhắc lại vào tháng trước.

Trả lời họp báo ngày 23/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ: "Chúng tôi đang chú ý đến cuộc trưng cầu dân ý của Anh về mặt quan hệ của họ với EU. Chúng tôi tôn trọng lựa chọn của người dân Anh. Chúng tôi cũng luôn ủng hộ quá trình thống nhất châu Âu và muốn thấy một EU thống nhất, mạnh mẽ và ổn định đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế".

Trong khi đó, tờ "Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc cho rằng nếu Anh rời EU, nước này sẽ mất đi sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

Theo các nhà ngoại giao, mặc dù Bắc Kinh và London có bất đồng về nhân quyền và tương lai của Hong Kong, Trung Quốc - nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu - coi trọng Anh với tư cách một nước ủng hộ tự do thương mại trong EU và coi EU như một bên đối trọng với Mỹ.

TTXVN/Tin Tức
Bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại Anh
Bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tại Anh

Đúng 13h ngày 23/6 giờ Hà Nội, tức 7h sáng giờ Anh, hàng triệu cử tri Anh đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân quyết định tư cách thành viên của quốc gia này tại Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN