Bất thường trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng tại Đắk Nông

Dù giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, nhưng mọi hoạt động khai thác, vận chuyển, bán cát của một doanh nghiệp tại Đắk Nông vẫn diễn ra bình thường.

Hết phép cũng như còn phép?

Chú thích ảnh
 Xe ben loại 4 trục, tải trọng khoảng 15 - 20 m3 chở cát ra khỏi bến của DNTN Quỳnh Mai tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông. 

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, người dân phản ánh về việc Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh cát xây dựng trong khi giấy phép khai thác khoáng sản của đơn vị này đã hết hạn từ đầu năm 2019. Các ghe tàu vẫn hoạt động bơm hút cát từ sông Krông Nô, sau đó tập kết về bến cát của doanh nghiệp tại thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú (nằm ven Quốc lộ 28). Hàng ngày, đều đặn nhiều lượt xe ben tải trọng lớn ra vào bến để mua hàng trăm khối cát và chở đi khắp các địa phương tỉnh Đắk Nông.

Tiếp cận hiện trường, phóng viên ghi nhận hình ảnh nhiều lượt tàu có tải trọng từ 30 - 50 m3 hoạt động hút cát từ sông Krông Nô, sau đó đưa về bến và bơm lên bãi. Tại bến cát của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai, hàng nghìn khối cát đang được tập kết. Nhiều lượt xe ben (biển kiểm soát: 48C - 043.91; 48C - 044.03…) liên tục ra vào bến để lấy cát. Mọi hoạt động khai thác, kinh doanh cát tại đây diễn ra bình thường như những bến cát khác trong khu vực.

Ngày 16/11, trong vai người cần mua cát với số lượng lớn để làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai tiếp đón. Khi nghe chúng tôi cần khoảng 300 m3 cát, bà Hà khẳng định lấy cát tại bến Quỳnh Mai là tiện nhất. Giá cả khoảng 200.000 đồng/m3, tương tự như cát bến khác trong khu vực. Lợi thế là lượng cát dồi dào, có sẵn, việc đi lại thuận lợi do bến nằm kế bên Quốc lộ 28.

Theo một số người dân địa phương, hoạt động khai thác cát trên đoạn sông Krông Nô được cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai diễn ra bình thường trong nhiều tháng nay. Có một số thời điểm, các ghe tàu chủ yếu khai thác cát vào ban đêm. Nhiều người dân khá bất ngờ khi được biết chủ doanh nghiệp đã hết hạn khai thác, bởi theo họ, mọi hoạt động khai thác, kinh doanh vẫn diễn ra như trước đây, hầu như không có gì thay đổi.

Các bên đều than… khó

Chú thích ảnh
Mua bán cát trong bến của DNTN Quỳnh Mai (ảnh chụp ngày 16/11/2019). 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai xác nhận giấy phép khai thác cát xây dựng của đơn vị đã hết hạn từ 28/2/2019, tức đến nay đã gần 9 tháng.

Về các hoạt động khai thác, kinh doanh cát tại bến cát Quỳnh Mai, bà Hà giải thích rằng đơn vị chỉ bán lượng cát đã khai thác trong thời gian còn được phép khai thác (tức trước ngày 28/2/2019). Từ ngày đó đến nay, doanh nghiệp không tổ chức việc hút cát trên sông, tàu bè đã bán hết, hiện doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục để được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản là cát xây dựng theo quy định.

Trả lời câu hỏi về một số hình ảnh tàu bè hút cát trên sông hoặc bơm lên bãi, bà Hà giải thích rằng đó là công nhân bơm nước ra khỏi tàu (tránh việc chìm tàu do để lâu ngày trên bến sông ), hoặc có người tới hỏi mua tàu nên tiến hành chạy thử để kiểm tra chứ không phải hoạt động khai thác (?!).

Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, UBND xã đã nhận được thông báo của UBND huyện Krông Nô, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện về việc Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai đã hết hạn được phép khai thác cát. UBND xã đã làm việc và yêu cầu doanh nghiệp cam kết không khai thác trong thời gian đang làm các thủ tục để được gia hạn. Tuy nhiên, việc quản lý rất khó khăn do địa bàn rộng, khu vực Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai được cấp phép khai thác cát trải dài trên sông, rất khó quản lý.

Cũng theo ông Đỗ Thanh Hùng, xã Quảng Phú hiện có 4 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Để thuận tiện cho việc quản lý, xã kiến nghị các ngành chức năng của huyện, tỉnh cần có các giải pháp rõ ràng, dứt khoát để tạo thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý, giám sát. Đối với các doanh nghiệp đã hết hạn khai thác, cần tạm ngưng mọi hoạt động kinh doanh, kể cả bán lượng cát tồn trên bãi. Tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc bán cát tồn để tiếp tục khai thác, vì như vậy sẽ rất khó quản lý, xử lý.

Theo UBND huyện Krông Nô, tháng 6 vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh cát của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Nô. Tại bến cát của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai, đoàn ghi nhận không có các ghe tàu khai thác cát, nhưng lượng cát còn trên bến rất nhiều và mới. Doanh nghiệp vẫn để biển bảng kinh doanh như bình thường. Trong khi vào thời điểm trên, giấy phép khai thác cát của doanh nghiệp này đã hết hạn gần 4 tháng. Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông sau đó đã chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp lén lút khai thác trong thời gian chưa được gia hạn, hoặc cấp phép trở lại.

Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, việc giám sát, xử lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát tại bến của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai vẫn vướng hai vấn đề. Thứ nhất là đến nay vẫn chưa xác định rõ lượng cát tồn trên bãi. Theo quy định, doanh nghiệp không được khai thác khi đã hết hạn được cấp phép, nhưng việc bán lượng cát tồn không thể cấm doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xác định lượng cát tồn là thẩm quyền của Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND huyện Krông Nô đã kiến nghị về vấn đề này nhưng vẫn chưa được giải quyết. Thứ hai là hiện nay doanh nghiệp vẫn viện lý do đang tiến hành các thủ tục gia hạn giấy phép khai thác để hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây khó cho công tác quản lý của ngành chức năng và chính quyền địa phương. UBND huyện Krông Nô mong muốn ngành chức năng tỉnh Đắk Nông sớm trả lời rõ có gia hạn cho đơn vị này hay không để huyện có cơ sở xử lý.

Ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, UBND huyện chưa nhận được phản ánh của người dân về việc Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai vẫn tiến hành việc khai thác cát khi đã hết hạn được cấp phép. Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Đông khẳng định nếu việc này xảy ra, trách nhiệm đầu tiên là của UBND xã Quảng Phú và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Nô. UBND huyện Krông Nô sẽ chỉ đạo kiểm tra, xác minh và sớm chấn chỉnh.

Cũng theo ông Ngô Xuân Đông, huyện không thể cấm doanh nghiệp bán lượng cát đang tồn trên bãi, nhưng nếu phát hiện, hoặc bắt quả tang có hoạt động khai thác trong thời gian giấy phép đã hết hạn, UBND huyện sẽ đề xuất ngưng luôn mọi hoạt động của doanh nghiệp, kể cả việc mua bán lượng cát đã khai thác trước đó.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Nông, Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai được cấp phép khai thác cát tại mỏ cát Quảng Phú 2, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Giấy phép cấp cho doanh nghiệp vào ngày 28/2/2012 và có thời hạn 7 năm, tổng sản lượng là 136.000 m3. Từ khi được cấp phép đến nay, doanh nghiệp này chưa đăng kiểm tàu bè khai thác. Cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi ngành chức năng siết công tác đăng kiểm tàu bè, lắp đặt camera giám sát, trạm cân để kiểm soát tải trọng…, Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai vẫn không thực hiện với lý do đã hết phép khai thác cát và chưa được gia hạn.

Rõ ràng, các hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng tại bến cát của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, mọi vấn đề về giám sát, quản lý đều không được thực hiện tính từ đầu năm tới nay. Các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác cát như thuế, phí; quản lý sản lượng, phương tiện khai thác… đều bị buông lỏng. Các ngành chức năng cần sớm xử lý tới nơi tới chốn vấn đề này.

Bài và ảnh: Nhóm PV TTXVN tại Đắk Nông
Giá cát xây dựng tại Hà Tĩnh tăng cao đột biến
Giá cát xây dựng tại Hà Tĩnh tăng cao đột biến

Tại Hà Tĩnh, từ vài tháng nay, giá cát xây dựng tăng cao đột biến và khan hiếm. Tình trạng này khiến người dân lo lắng, nhiều công trình dự án, nhà ở đang xây dựng cũng phải tạm hoãn thi công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN