Trên sông Vĩnh Định đoạn qua làng Phan Xá thuộc thôn Lương Tài Xá, xã Triệu Đại có nhiều cồn cát nổi; trong đó cồn cát nổi lớn nhất nằm ngay giữa sông có chiều dài lên đến 400m, rộng khoảng 30m. Cồn cát nổi này làm thay đổi nghiêm trọng dòng chảy. Theo đó, thay vì ở giữa sông, dòng chảy đổi theo hướng sát bờ. Hệ quả là bờ sông sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9 – 11 hằng năm.
Ngoài ra, ngay sát cồn cát nổi này là đập ngăn mặn được xây dựng bằng đá từ hàng chục năm về trước, nằm chắn ngang sông Vĩnh Định. Năm 1993 xảy ra đợt hạn hán lịch sử, con đập này bị hư hỏng chỉ còn lại một phần thân đập nhưng chưa được tháo dỡ. Phần còn lại của con đập này cũng góp phần làm thay đổi dòng chảy sông Vĩnh Định đoạn qua làng Phan Xá.
Ông Nguyễn Hà, 65 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Phan Xá cho biết, đơn vị có 8 ha đất trồng lúa ven sông Vĩnh Định. Do dòng chảy trên sông Vĩnh Định thay đổi đã gây ra tình trạng sạt lở bờ sông nên đã bị mất nhiều diện tích đất lúa. Chỗ sạt lở ăn sâu vào đất lúa ít cũng 5m, nhiều thì lên tới 40 - 50m. Các xã viên của đơn vị đều sinh sống chủ yếu vào trồng lúa hai vụ mỗi năm. Tình trạng sạt lở bờ sông Vĩnh Định diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến người dân rất lo lắng.
Sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Đại dài khoảng 5.000m; trong đó đoạn qua làng Phan Xá dài khoảng 1.000m thì có khoảng 400m bờ sông đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Trương Văn Ký, 74 tuổi, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi thôn Lương Tài Xá và đại diện các hộ dân cho biết, người dân làng Phan Xá đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền khắc phục tình trạng cồn cát nổi và phá dỡ phần còn lại của đập ngăn mặn để khơi thông dòng chảy, đồng thời xây dựng kè để chống sạt lở bờ sông, nhưng do nguồn vốn lớn nên chưa thực hiện được. Gần đây có chủ trương xã hội hóa việc này khi có doanh nghiệp muốn tham gia. Toàn bộ 40 hộ dân làng Phan Xá rất đồng tình ủng hộ chủ trương xã hội hóa. Điều này có nghĩa doanh nghiệp tiến hành nạo vét và tận thu cát từ cồn cát nổi, tháo dỡ phần còn lại của đập ngăn mặn để khơi thông dòng chảy, đồng thời xây dựng kè bờ sông ở điểm bị sạt lở nghiêm trọng nhằm bảo vệ đất trồng lúa.
Tương tự, ở giữa sông Vĩnh Định đoạn qua Xóm Cồn thuộc thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại cũng hình cồn cát nổi rất lớn với chiều rộng khoảng 50m, dài từ 250 – 300m, làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông ở nhiều điểm. Ông Trần Đình Tuệ, 53 tuổi, sinh sống ở địa phương cho biết, dòng chảy sông Vĩnh Định bị thu hẹp bởi cồn cát nổi nên thường có lượng lớn bèo tây, rác và xác động vật tấp vào cồn cát nổi khiến môi trường bị ô nhiễm. Nhiều hộ dân mong muốn cơ quan chức năng sớm tiến hành nạo vét cồn cát nổi, khơi thông dòng chảy để giải quyết vấn đề môi trường, sạt lở bờ sông.
Ngày 22/8, đại diện lãnh đạo UBND xã Triệu Đại cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh việc cấp thiết nạo vét cồn cát nổi để khơi thông dòng chảy và xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Vĩnh Định. Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương không có nên đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét giải quyết mong muốn chính đáng của người dân.
Vĩnh Định là con sông đào, được khởi công năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Con sông này được đào và khơi thông, nạo vét nhiều lần, trải dài từ thời vua Minh Mạng đến các đời vua Triều Nguyễn sau này. Sông Vĩnh Định đi qua các xã của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, thông vào phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên - Huế với chiều dài khoảng 26 km.