Một số di động bị một máy lạ đăng ký hộ dịch vụ gia tăng. |
Chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Gần đây, mẹ tôi dùng số 093222xxxx không gọi nhiều nhưng tiền vẫn hết. Khi gọi kiểm tra tại tổng đài dịch vụ bị 5 loại dịch vụ: Tin hay, Alome, data Tivi, báo nhỡ, Mca với tổng phí gần 20.000 đồng/ngày.
Lúc đầu cứ nghĩ trẻ con nghỉ hè dùng điện thoại của bà gọi cho bạn bè. Nhưng hôm vừa rồi mới nạp thẻ 50.000 đồng và để không cho ai gọi trong khoảng 3 ngày đã thấy hết tiền. Khi nghe bà kể lại tôi sinh nghi kiểm tra thì tá hỏa khi có sim số có tới 5 dịch vụ gia tăng mà không hề đăng ký hay sử dụng. Ngay lập tức tôi kiểm tra số tôi đang dùng cũng bị đăng ký dịch vụ data TV 2.000 đồng/ngày”, chị Thu Hiền cho biết.
Tương tự, chủ thuê bao số 091258xxxx cũng bất ngờ nhận được thông báo được 1 số điện thoại lạ đăng ký hộ dịch vụ MinMax. Tuy nhiên gọi lại kiểm tra số đăng ký hộ thì luôn trong tình trạng không liên lạc được. Phản ánh lên tổng đài thì được phản ánh chủ thuê bao đã đăng ký dịch vụ trong khi chủ thuê bao chưa một lần đăng ký hoặc ra đại lý nhờ đăng ký dịch vụ này.
Ngay lập tức, chủ thuê bao đã kiểm tra lại tất cả dịch vụ gia tăng trên số điện thoại thì phát hiện ra thuê bao có sử dụng dịch vụ MCA từ năm 2003. Tính ra chi phí cho gần 15 năm sử dụng dịch vụ này có khi lên tới tiền triệu nhưng không hề sử dụng.
Về vấn đề này, theo anh Nguyễn Hùng, một admin diễn đàn công nghệ thông tin, nhiều người dùng sẽ không biết mình đang dùng những dịch vụ giá trị gia tăng gì của các nhà mạng. Bên cạnh cung cấp dịch vụ viễn thông thông thường, tất cả các nhà mạng này còn có kèm theo nhiều dịch vụ giá trị gia tăng. Đôi khi, khách hàng vô tình hoặc không biết mình đã sử dụng dịch vụ gì. Do đó, người dùng di động nên có thói quen kiểm tra tất cả các dịch vụ đang sử dụng của nhà mạng thông qua tin nhắn SMS hoặc gọi tổng đài. Cụ thể, với người dùng nhà mạng Viettel có thể soạn tin nhắn TC gửi đến 1228 để xem danh sách các dịch vụ giá trị gia tăng số thuê bao Viettel này đã đăng ký. Với người dùng mạng Vinaphone có thể soạn tính nhắn: TK gửi 123; người dùng Mobifone soạn KT gửi 994. Trong tin nhắn trả lời, các nhà mạng cũng hướng dẫn khách hàng cách hủy các dịch vụ mà khách hàng không có nhu cầu sử dụng.
Hiện có một thực tế người tiêu dùng sử dụng dịch vụ viễn thông di động khi mua sim trả trước hay đăng ký trả sau tại các cửa hàng đại lý sim trên toàn quốc hầu như không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng trên sim. Đó là các vấn đề như: SIM đã được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng chưa? Nếu có thì những dịch vụ nào? Đó là các dịch vụ được đăng ký để sử dụng “chính thức” hay là các dịch vụ được “dùng thử”? Hết hạn dùng thử có bị “tự động gia hạn” không? Cú pháp hủy dịch vụ là gì? Có mất phí không?...
Ngay cả khi người tiêu dùng đã thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ giá trị gia tăng không sử dụng thì vẫn gặp nhiều nguy cơ khi các nhà mạng tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho người tiêu dùng “dùng thử” các dịch vụ giá trị gia tăng. “Vì vậy, người tiêu dùng Việt Nam cần phải chủ động tìm hiểu, nếu thấy bất kỳ tin nhắn bất thường nào đều phải đọc kỹ và tìm hiểu cụ thể trước khi kích hoạt. Tự bảo vệ mình trước khi kiện được các nhà mạng”, anh Nguyễn Hùng cho biết.