Nhắc đến đây mới nhớ có người đã nói rằng: "Mỗi khi nhớ được một cái tên thì con đường dẫn đến thành công của bạn sẽ được lát thêm một viên đá". À, vậy là có một câu chuyện đẩy đưa về viên đá, một viên đá và năm mươi ngàn viên đá rồi.
Trong cuộc sống không ai có thể thành công mà không có những mối quan hệ với những người khác, không nhờ vào một ai đó khác. Hãy ngồi tĩnh tâm lại để xem những gì mình có được hôm nay có phải là không chỉ có một, mà nhiều, thậm chí rất nhiều người đã từng giúp đỡ, hỗ trợ không, nhờ vào một mối quan hệ nào đó không? Người ta đã tổng kết thành một lý thuyết: "mối quan hệ cũng là nguồn lực cho mỗi cá nhân và tổ chức". Tất nhiên, "mối quan hệ" ở đây phải được hiểu trong trạng thái hoàn toàn trong sáng đấy nhé!
Từ các "mối quan hệ", mỗi người chúng ta sẽ trở nên "lớn" hơn, được bổ sung nhiều kiến thức mới, những điều mà có khi trước đây chúng ta chưa có hoặc không được cập nhật. Từ các "mối quan hệ", chúng ta được truyền cảm hứng để công việc trở nên mới mẻ hơn, cuộc sống trở nên phong phú hơn. Từ các "mối quan hệ", nông dân dễ dàng tìm đến các doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ nông sản. Từ các "mối quan hệ", các doanh nghiệp có thể tìm đến doanh nghiệp khác để biết đâu có cơ hội hợp tác làm ăn. Từ các "mối quan hệ", các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ kết giao với các chuyên gia, để được tư vấn, cố vấn, để các doanh nghiệp đi trước đỡ đầu, hỗ trợ.
Từ các "mối quan hệ" với nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội, người lãnh đạo ngành, địa phương sẽ tạo ra nguồn lực cho mình. Đó là có nhiều thông tin để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo hàng ngày. Đó là đón nhận được nhiều ý tưởng, mà ý tưởng của người này có thể gợi mở cho ý tưởng của người kia và cho bản thân người lãnh đạo. Không ai - dù kiệt xuất đến đâu - có thể tự mình nghĩ ra tất cả và làm được tất cả. Từ các "mối quan hệ", từng tổ chức có cơ hội rộng mở hơn để đón nhận các nguồn lực và tư duy từ xã hội.
Lợi ích từ các "mối quan hệ" đã rõ và chắc còn nhiều hơn nữa những dẫn chứng nêu trên. Vậy mà hình như đây đó, có không ít người vẫn đang tự cô lập mình, vẫn lủi thủi một mình trên con đường tìm kiếm sự thành công. Vậy mà, hình như đây đó, có tổ chức vẫn đóng khung trong 4 bức tường hữu hình và cả vô hình, trong khi ngoài kia cuộc sống đang cuồn cuộn đổi thay. Vậy mà, hình như ai đó và đây đó vẫn chưa thật sự mở lòng, trải lòng?
Muốn thiết lập các "mối quan hệ" thì phải thật sự chân thành, tôn trọng nhau. Muốn thiết lập các "mối quan hệ" thì đừng có nghĩ rằng mình hơn người ta về chức vụ, vị trí trong xã hội - những cái đó chỉ là nhất thời, là hữu hạn và theo quy luật rồi chắc chắn là sẽ mất đi. Có người nói rằng: "Nếu bạn không muốn người khác coi thường mình thì đừng coi thường người khác".
Muốn thiết lập các "mối quan hệ" có khó lắm không? Đâu có gì là khó trong thời đại mà người ta gọi là "truyền thông đa phương tiện" này. Một cái bắt tay thật chặt, một cuộc trao đổi trực tiếp, một cuộc gọi hỏi han chân tình, một bức thư điện tử có thể kết nối cùng lúc cả chục, cả trăm người với nhau... Tất cả tạo ra các "mối quan hệ" giữa người với người, giữa tổ chức với tổ chức.
Dù còn nhiều tranh cãi ở các góc độ tiếp cận khác nhau, nhưng thế giới ngày nay "đang trở nên phẳng hơn" nhờ ứng dụng các thành tựu công nghệ, thì tại sao chúng ta lại làm cho nó "gồ ghề" đi, tạo ra những vách ngăn, những bức tường chung quanh mình?
Đừng tự biến mình thành những ốc đảo. Người lãnh đạo mà tự biến mình thành ốc đảo thì không những thiệt cho chính mình, mà còn thiệt cho tổ chức, đơn vị, địa phương của mình.
Mỗi ngày, mỗi người hãy tìm kiếm cho mình một viên đá và lát nó trên con đường để đi đến thành công! Còn do dự gì nữa?