Đi học là hạnh phúc
Tôi đến Thành phố Saporro (Hokkaido, Nhật bản) vào dịp đầu hè năm 2017 và được sống trong nhịp sinh hoạt của một gia đình người Nhật bản có 3 con: 3 tuổi, 7 tuổi, 9 tuổi. Ba đứa trẻ đều đang học trường mẫu giáo Tomoe. Mỗi sáng, ba chị em đều tự thu dọn, sắp xếp phòng ngủ, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và háo hức đến trường. Chị Tran Hayashi Fumie (Thành phố Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản) cho biết: "Tôi đã cho các con đi học ở Tomoe đến nay được 6 năm, có con tôi đưa đến từ khi vài tháng tuổi. Qua 6 năm, tôi nhìn thấy niềm vui, sự hạnh phúc trong mỗi ngày đến trường của các con".
Trường mẫu giáo Tomoe Sapporro nằm trong một khu đồi phủ kín cây xanh. Lần đầu tiên tôi đến đúng dịp trường tổ chức Ngày hội gia đình. Đó là ngày mà các gia đình chuẩn bị đồ ăn để tổ chức một bữa tiệc nướng ngoài trời. Những cựu học sinh cùng bố mẹ về trường tham gia ngày hội này. Một năm có vài ba dịp để các cựu học sinh tụ họp như vậy.
Một giờ chơi tự do của học sinh Tomoe. Ảnh: LV |
Trong khi nhiều cha mẹ cùng trò chuyện làm các món ăn thì những đứa trẻ chơi với những trò mà chúng muốn. Ở bên ngoài, trẻ con chơi đu dây, đi xe đạp, bắt côn trùng ở khu rừng ngay cạnh, xúc cát… Bên trong trẻ có thể chơi nhảy từ độ cao xuống đệm, bật nhảy, đuổi bắt, kéo co,… hoặc tô màu, vẽ tranh, đánh đàn piano, lắp ghép đồ chơi… mà không có bất cứ sự can thiệp nào của người lớn. Chị Tran Hayashi Fumie cho biết: “Bên cạnh những trò chơi, hoạt động ở trường, trường còn tổ chức cho học sinh đi rừng, leo núi, ngủ qua đêm ở trường, trượt tuyết, đi biển, cắm trại... Mỗi ngày đến trường, mỗi tuần ở trường trẻ con đều chơi tự do, tự tìm tòi, khám phá và sự hướng dẫn của các giáo viên. Trẻ con rất thích đến Tomoe”.
Sau những ngày ở đây tôi mới biết đó là những giờ vui học mà trẻ con được lựa chọn. Ở Tomoe không chia lớp, chỉ có những giờ tập trung theo nhóm tuổi dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo. Nhà trường có một khung thời gian nhất định để học sinh, gia đình tuân thủ nhưng không bắt buộc. Các em thích học môn gì nhất thì tự học, chủ yếu được học từ nhau. Thầy cô làm nhiệm vụ dẫn dắt trẻ đến với những bài học thông qua các trò chơi handmade, đi chơi trong rừng… Anh Trần Văn Sơn, là một phụ huynh người Việt Nam duy nhất ở đây cho biết: “Có những giờ học nhất định trong 1 tuần, giáo viên học cùng các bạn nhỏ bằng cách kể các câu chuyện, đóng các vở kịch hài hước, làm các trò ảo thuật đơn giản nhưng gây bất ngờ, hoặc biểu diễn âm nhạc. Nhưng dù có các hoạt động này nhưng trẻ nhỏ không bắt buộc phải tham gia, chỉ những bạn thích và hứng thú thì tham gia”.
Trẻ được tự do bày tỏ cảm xúc của mình mà không sợ bất cứ điều cấm đoán nào từ phía người lớn. Trẻ sẵn sàng bày tỏ điều này với giáo viên, hiệu trưởng và coi họ như những người bạn lớn. Anh Trần Văn Sơn cho biết: “Trẻ con ở đây được tự do bộc lộ cảm xúc, kể cả những xúc cảm tiêu cực như ghét bỏ, la hét, mắng mỏ,... như một cách thức cân bằng cảm xúc, thể chất trong quá trình phát triển. Thầy cô ở đây tôn trọng trạng thái này. Điều quan trọng là cần lắng nghe và chia sẻ với trẻ như thế nào”.
Sống giữa thiên nhiên, đi rừng là một trải nghiệm quen thuộc của trẻ em Tomoe. Ảnh: Tran Hayashi Fumie |
“Họ dạy trẻ con phải như thế này, phải như thế kia rất ít. Mà tạo môi trường để trẻ con khám phá và học hỏi từ thiên nhiên, con vật và quá trình chơi với nhau. Đây cũng là phương pháp giáo dục hiện đại mà nhiều nước phát triển đang đi tìm “Learning by donging” - Đó là học tập bằng trải nghiệm, thực tiễn, không bằng lời nói suông và tiếp thu thụ động”, anh Sơn nhấn mạnh.
Điều đặc biệt, trường học không chỉ dành cho những đứa trẻ mà còn dành cho gia đình của các em nhỏ. Phụ huynh có thể đến đây để được chơi cùng con, chia sẻ những vấn đề trong nuôi dạy con cùng với nhau, cùng với giáo viên, hiệu trưởng để tìm ra cách tốt nhất với mỗi đứa trẻ. Đó là những người làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, giáo viên, y tá, truyền thông, họa sĩ, thiết kế… và đến từ các nơi khác nhau của Nhật Bản.
Chị Horikawa Ai (Thành phố Saporro) có 3 con nhỏ học tại Tomoe cho biết: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc nuôi dạy trẻ như thế nào. Làm thế nào để con được vui vẻ, hạnh phúc. Khi đến Tomoe, tôi đã tìm được câu trả lời”.
60 năm đi tìm và trả lời câu hỏi: Làm thế nào để trẻ hạnh phúc?
Những phụ huynh, người tham quan đến Tomoe đều có chung một cảm nhận: Trường mẫu giáo Tomoe hiểu được gia đình là nền tảng, trong đó người mẹ có vai trò bậc nhất trong sự phát triển của trẻ. Đặc biệt giai đoạn khi trẻ con nhỏ, Tomoe hiểu được như vậy nên đã chia sẻ cùng phụ huynh nuôi con như thế nào là hạnh phúc. Giúp những đứa trẻ biết đến sự tự do giữa trật tự của xã hội. Và từng bước những lời dạy mà người lớn mong muốn đều được đưa đến đứa trẻ một cách tự nhiên nhất. Từ đó trẻ nghe lời một cách vui vẻ và tin tưởng.
Để xây dựng được cộng đồng nhà trường như hôm nay, thầy Kimura Hitoshi, Hiệu trưởng trường mẫu giáo Tomoe Sapporo đã nỗ lực rất nhiều trong 30 năm xây dựng và phát triển của trường.
Mỗi ngày thầy Kimura Hitoshi cùng với các thầy cô của trường luôn là những người có mặt sớm nhất để đón học sinh. Thầy Kimura Hitoshi ngồi ở cửa ra vào và chào từng em nhỏ, phụ huynh. Đến chiều, thầy cùng với các giáo viên đứng chào tạm biệt chuyến xe buýt cuối cùng chở học sinh về nhà. Mỗi ngày thầy tiếp nhận nhiều chia sẻ của các gia đình trong giáo dục trẻ, trong các vấn đề tâm lý.
Thầy Hiệu trưởng Kimura Hitoshi. |
Thầy Kimura Hitoshi cho biết: “Thường người lớn không biết trẻ con muốn điều gì. Người lớn muốn trẻ con làm những điều họ thích. Từ khi 15 tuổi tôi đã tự hỏi là làm gì tốt để trẻ hạnh phúc. 60 năm qua tôi luôn làm việc không ngừng nghỉ và học hỏi để trả lời câu hỏi này”.
“Tôi đã học và đọc rất nhiều về cấu trúc cơ thể người, về sức khỏe, về tâm lý. Mỗi ngày tôi phải cố gắng rất nhiều để làm cho trẻ con. Đó là đón nhận chia sẻ của các bậc phụ huynh, kể cả trong các vấn đề gia đình, tâm lý họ gặp phải để cùng tìm ra cách tốt nhất để cuộc sống của mỗi gia đình trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn. Điều này tác động tích cực đến trẻ”, thầy Kimura Hitoshi nói.
Hiệu trưởng Kimura Hitoshi cũng cho biết: “Chúng tôi đã đón những phụ huynh từ các thành phố khác nhau của Nhật Bản đến để tham quan và ở lại. Chúng tôi cũng chào đón những giáo viên từ các nước khác đến để xem giáo viên chúng tôi chơi, dạy trẻ nhỏ; xem phụ huynh làm gì; xem trẻ con ở đây chơi như thế nào”.
Như vậy, những học sinh Tomoe đã lớn lên với một trái tim có nhịp đập khỏe mạnh thông qua các trò chơi vận động, gần gũi với thiên nhiên với tình yêu. Một trái tim tốt bụng khi biết chia sẻ, hướng thiện đối với những người xung quanh. Những đứa trẻ của trường mẫu giáo Tomoe Sapporo đã trưởng thành và nhiều em làm công việc khác nhau tại Nhật bản. Tomoe là một ký ức đẹp của họ.
Trong xã hội dù có những quy chuẩn mà mọi người buộc phải tuân thủ, không thể thay đổi được, nhưng trong sâu mỗi người đều thực sự Muốn đến sự tự do và niềm đam mê. Đó là điều mà nhiều phụ huynh của Tomoe, các giáo viên đến đây thấy được trường đang nỗ lực từng ngày để trẻ con được đi học hạnh phúc.
Năm 1988, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) trường mẫu giáo Tomoe Sapporo được công nhận. Trường mang tính cộng đồng. Tòa nhà của trường không có các phòng học, không gian mở. Thành viên của gia đình học sinh có thể đến. Đặc biệt, giáo viên coi trọng tính chủ động của trẻ em trong hoạt động chứ giáo viên không dùng còi hay ra lệnh. |