Công tác phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam bước vào giai đoạn 2 ngay sau khi công bố ca bệnh số 17 (BN17) trở về từ Anh nhưng không khai báo. BN17 đã đến Pháp, Italia khi sử dụng 2 hộ chiếu và tự cách ly tại nhà khiến cả khu phố và nhiều người nằm trong diện cách ly.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Ca bệnh 17 dù về tự cách ly ở nhà và khi có triệu chứng đã đi khám tại bệnh viện Hồng Ngọc. Nhưng cô đã tiếp xúc với 22 bác sĩ, y tế khiến gần 700 người thuộc diện cách ly và đã lây nhiễm cho 3 người. Còn ca bệnh 21 (BN 21) cũng khiến 500 người phải cách ly.
Còn ca bệnh số 34 (NB34) tại Bình Thuận đã lây cho 10 người; trong đó lây cho 8 người F1 và có 2 người F2. Tổng số người cách ly theo báo cáo của Sở Y tế Bình Thuận là 203 ca tiếp xúc gần với người bệnh dương tính (F1) là 78 ca; các ca còn lại cho kết quả âm tính đang được theo dõi cách ly tại nhà là 761 trường hợp.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nếu không cách ly ngay các trường hợp về từ vùng dịch thì đây là nguồn lây chéo rất dễ phát sinh trong cộng đồng, đến khi công bố dương tính với virus SARS-CoV-2 thì số người từ tiếp xúc (F1) và tiếp xúc của tiếp xúc (F2) sẽ rất lớn, chi phí gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Do đó, UBND thành phố Hà Nội thông báo: Đề nghị các công dân đi học tập, du lịch từ các vùng có dịch khi về Hà Nội từ ngày 1/3/2020 qua nhiều con đường khác nhau (nhập cảnh trực tiếp qua sân bay quốc tế và sân bay nội địa, hoặc nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường thủy) đang cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội cần sớm liên hệ với cơ quan y tế theo số điện thoại 0969082115, 0949396115, hoặc Trung tâm cấp cứu 115 để được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.
Hiện nay, tình hình dịch COVID - 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, thành phố Hà Nội cũng đang tập trung sức lực, nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống dịch bệnh. Vì vậy thành phố mong muốn mọi người dân hợp tác tốt, cũng như cùng chung tay, chung sức, đồng lòng dập dịch bảo vệ cộng đồng và sức khoẻ nhân dân.
Việc tự nguyện khai báo y tế trong toàn dân là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân đóng góp sức lực vào cuộc chiến chống dịch bệnh. Mỗi thông tin khai báo chính xác và kịp thời sẽ góp phần giảm bớt thời gian rà soát, khoanh vùng, giúp việc điều trị kịp thời cho người bệnh. Bên cạnh các số điện thoại, thông tin chính thống phổ cập trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, để hỗ trợ cho công tác này. Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt hai ứng dụng khai báo: Khai báo y tế điện tử với tất cả khách nhập cảnh vào Việt Nam (Vietnam Health Declaration – VHD), tích hợp theo dõi lịch trình du khách sử dụng QR code trên VHD và ứng dụng NCOVI khai báo y tế toàn dân.
Với ứng dụng NCOVI, đứng ở góc độ người dùng, chị Bùi Thảo Anh cho biết: "Sau khi cài đặt, tôi thấy khá tiện lợi với người dùng vì đơn giản trong khai báo. Nhất là với những người có nguy cơ, khi không biết liên hệ với ai, cơ quan nào thì có thể vào app khai báo để nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng".
Việc tự khai báo và thực hiện cách ly tại nhà khi có thông báo từ cơ quan chức năng với những người về hoặc đi qua vùng có dịch, đi trên chuyến bay được cơ quan chức năng thông báo có người dương tính với virus SARS-CoV-2… là việc làm cần thiết vì cộng đồng và vì sức khỏe bản thân.