Những cuộc “lột xác”
Tốt nghiệp trung cấp du lịch năm 2011, anh Vàng Seo Chô (phường Hàm Rồng, Sa Pa) trở về quê hương gây dựng sự nghiệp. Thời điểm đấy, Sa Pa chỉ là điểm đến của các phượt thủ, khách quốc tế, dịch vụ du lịch còn thưa vắng, Vàng Seo Chô chẳng tìm được “đất dụng võ”.
Sau khi thử đủ thứ nghề vẫn không đủ sống, năm 2016, anh quyết tâm học thêm ngoại ngữ để quay lại làm du lịch. Đó cũng là lúc công trình cáp treo Fansipan kết nối thành phố Sa Pa với “Nóc nhà Đông Dương” khánh thành.
Sự kiện này mở ra cơ hội cho Vàng Seo Chô. Khách đến Sa Pa ngày một đông, anh mạnh dạn gom vốn và vay thêm bạn bè, đầu tư gần 800 triệu đồng làm Chô homestay. Chỉ một năm sau, Vàng Seo Chô không những trả được nợ mà còn dư vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng homestay, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. “Tôi có được cơ ngơi như hôm nay đều nhờ làm du lịch. Không chỉ có thêm thu nhập, vươn lên làm giàu, tôi còn giúp cho nhiều người dân nơi đây thoát nghèo. Du lịch đã cứu cuộc đời tôi”, anh tâm sự.
Đi vào hoạt động tại Sa Pa từ năm 2008, Sapa Green khi đó là một nhà nghỉ nhỏ quy mô 20 phòng và một spa. Vài năm sau đó, Sapa Green vẫn chủ yếu phục vụ khách nội tỉnh, khách phượt, doanh thu không đáng là bao. Năm 2016, Sapa Green được đầu tư mở rộng để trở thành một khách sạn quy mô tăng gấp 3 lần với 60 phòng ngủ, 40 phòng spa và một nhà hàng công suất 200 thực khách để phù hợp với tình hình mới của thị trường. Những năm sau đó, du lịch Sa Pa ngày càng khởi sắc. Chẳng phải chỉ Sapa Green mà các khách sạn trên địa bàn luôn trong tình trạng full phòng, đặc biệt là dịp cuối tuần, lễ tết. “5 năm trở lại đây cuộc sống của tôi thay đổi rất là nhiều . Đầu tiên là kinh tế từ du lịch, cuộc sống của tôi khá giả hơn, có tiền tái đầu tư cho các dịch vụ khác”- bà Trần Thị Thanh – Trưởng BP Kinh doanh khách sạn chia sẻ.
…và bứt phá từ du lịch
Thực tế, không chỉ cuộc đời những người dân tộc như anh Vàng Seo Chô và diện mạo của những cơ sở lưu trú như Sapa Green đã “lột xác” nhờ du lịch. 5 năm qua, kinh tế Lào Cai và cuộc sống của nhiều dân nghèo nơi đây đã đổi khác, cũng bởi có sự đầu tư đúng đắn, bài bản cho ngành du lịch của địa phương này.
Sự ra đời của cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cáp treo Fansipan năm 2016 chính là những cột mốc khởi đầu cho sự thăng hoa đó. Ngay trong năm cáp treo khánh thành, du lịch Lào Cai đón lượng khách cao kỷ lục: 2,7 triệu lượt, doanh thu 6.405 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. 5 năm sau đó, từ 2016 đến 2020, tỉnh này chứng kiến một cuộc tăng tốc ngoạn mục về phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Năm 2019, thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Lào Cai đón hơn 5,1 triệu lượt khách du lịch, cao gần gấp đôi tổng lượng khách năm 2016; tổng doanh thu đạt 19.203 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với 4 năm trước… “Từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng du lịch Lào Cai ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là từ khi có tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Lào Cai thì rất nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có Sun Group bắt đầu quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, chính quyền địa phương cũng đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị, nâng cấp dịch vụ... Nhờ đó, lượng khách đến Sa Pa đã tăng gấp 5-7 lần so với cùng kì năm 2016” – ông Phạm Cao Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa chia sẻ.
Bước sang năm 2020, bất chấp đại dịch Covid-19, Sa Pa trở thành quán quân của ngành du lịch phía Bắc (trừ thủ đô Hà Nội) về chỉ số doanh thu/đầu khách, vượt qua cả những thành phố nổi tiếng khác như Hạ Long, Sầm Sơn, Đồ Sơn...
Không chỉ du lịch, các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác của tỉnh đều bứt tốc đáng kinh ngạc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm theo chiều thẳng đứng, từ 34,3% năm 2016 xuống còn 8,46% năm 2020, đạt trên 147% so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào Cai đạt 6,31%, đứng thứ 2 khu vực trung du và miền núi phía Bắc (sau Bắc Giang), thuộc nhóm các tỉnh có tăng trưởng cao trong cả nước. Bình quân giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP đạt 10,02%/năm.
Hành trình bứt tốc đáng kinh ngạc của kinh tế Lào Cai sau 5 năm mang dấu ấn ấn rõ nét của những “cánh chim đầu đàn” như Sun Group, thông qua những công trình, dự án đẳng cấp, quy mô mà điển hình nhất là Khu du lịch Sun World Fansipan Legend, với hệ thống cáp treo Fansipan đạt 2 kỷ lục thế giới. Nhìn nhận vấn đề này, ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IX, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhận định: “Sun World Fansipan Legend là công trình thế kỉ, đã góp phần to lớn thúc đẩy du lịch Sa Pa, Lào Cai nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung phát triển đúng hướng trong 5 năm qua. Công trình thế kỉ này cũng góp phần đẩy mạnh phát triển dịch vụ, mang đến Sa Pa một diện mạo mới, khai thác các tiềm năng sẵn có ở địa phương, trong đó có nguồn nhân lực là đồng bào các dân tộc thiểu số, giúp giải quyết việc làm, thay đổi nhận thức làm kinh tế cho bà con”.
Sự bứt phá ngoạn mục của kinh tế Lào Cai những năm qua, có thể nói phần lớn là nhờ định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, khi quyết tâm đầu tư cho du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời tạo điều kiện cho những nhà đầu tư có tâm, có tầm, trong đó có Sun Group. Cách làm này sau đó đã trở thành mô hình tham khảo hữu ích cho các địa phương miền núi Tây Bắc khác, trên con đường tìm định hướng phát triển kinh tế.