Du khách quốc tế tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Một số mẹo sau sẽ giúp tránh lãng phí khi mua sắm trên hành trình du lịch:
Không tỏ ra quá thích:
Việc để lộ ý thích quá sớm hoặc quá mức có thể khiến người bán hàng đẩy giá thành món đồ bạn muốn mua lên cao và không đồng ý giá mà bạn mặc cả. Do vậy, khi bắt gặp món đồ yêu thích hãy kiềm chế việc biểu lộ cảm xúc, để chủ hàng đưa ra mức giá thấp hơn và việc mặc cả cũng dễ dàng hơn.
Tham khảo giá trước và so sánh giá:
Món đồ muốn mua nếu không phải là duy nhất và tại các khu du lịch chúng thườngsẽ được bán ở các cửa hàng khác nhau. Thay vì mua ngay lần đầu tiên nhìn thấy, hãy dành thời gian đi một vòng các cửa hàng bên cạnh và hỏi giá. Điều này không những giúp có thể biết gần chính xác nhất giá tiền thực của món hàng đó để mặc cả và có thể tìm được thứ ưng hơn.
Với thời đại công nghệ như hiện nay, có thể nên tra cứu giá trên mạng để biết được giá phù hợp nhất, nhất là tại một số diễn đàn du lịch.
Nếu mua ở chợ “trời”, chợ “dân sinh” có thể kiểm tra, so sánh giá với giá siêu thị. Tuy nhiên cần kiểm tra kỹ về chất lượng trước khi mua.
Đưa ra mức giá phù hợp:
Sau khi đã tham khảo giá, để cuộc mặc cả thành công, du khác nên đưa ra một mức giá đủ thấp để không chỉ tránh mua hớ, mua đắt khi gặp phải những chủ cửa hàng hay nói “thách”, có thể trả giá giảm 50% hoặc 1/3 giá trị ban đầu của món hàng để qua đó tìm kiếm một sự đồng thuận về giá cả. Như thế, cuộc mặc cả dễ thành công hơn nhiều.
Mua sắm cùng người địa phương:
Nếu có người quen, thân hoặc bạn bè tại nơi du lịch, hãy nhờ họ đi mua cùng bạn. Với sự am hiểu của người bản địa, họ sẽ giúp bạn mua đồ đúng nơi và không bị chặt chém. Nếu không thể có ai đi cùng, hãy bỏ túi những câu nói thông dụng khi mua sắm bằng tiếng địa phương, để người bán thấy bạn có kinh nghiệm mua hàng mà không đội giá quá cao.
Bỏ đi cũng là phương pháp mặc cả:
Đừng bao giờ để người bán hàng thấy là bạn quá cần hay quá thích mua sản phẩm của họ với việc cứ đứng xem hàng mãi và trả giá nhanh mà khi cần thiết nên bỏ đi sau khi đưa ra một mức giá dạm mua thấp mà người bán chưa sẵn sàng chấp nhận. Bỏ đi là cách làm cho người bán thấy là họ cần phải giảm giá xuống để tránh mất khách vì khi bạn rời khỏi cửa hàng của họ hoặc không dùng dịch vụ của họ nữa. Trong nhiều trường hợp, người bán sẽ thỏa thuận lợi với du khách và đồng ý bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ với mức giá hợp lý hơn so với trước đó.