'Nước chảy còn vương bao niềm thương…'

Liên tiếp trong nhiều ngày qua, ở các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to... Mưa lũ liên tiếp khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, vất vả…

Tình cảnh của người dân nơi đây làm tôi nhớ đến mấy câu mở đầu ca khúc “Thương về miền Trung”: “Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em/ Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường/ Người hỡi! Có về miền quê hương thùy dương/ Nước chảy còn vương bao niềm thương/ Cho nhắn đôi lời…”

“Thủy, hỏa, đạo, tặc” vốn là nỗi lo nghìn đời của người nông dân Việt Nam đối với mùa màng và cuộc sống. Năm nay, cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt từ đầu năm đến giờ đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bà con nơi đây. Vậy mà giờ đây, cuộc sống đã khó càng thêm…

Chú thích ảnh
Điện lực Quảng Bình khắc phục sự cố do lũ lụt. Ảnh: TTXVN

“Cái khó ló cái khôn”, trong những lúc khó khăn thế này, những bài học kinh nghiệm về phòng chống lụt bão là vô cùng quý giá. Đọc những thông tin về vùng "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, tôi càng cảm phục sự sáng tạo của người dân. Đây là một xã nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá vôi, nơi được xem là "túi đựng nước" của huyện nên năm nào hễ mưa to là Tân Hóa ngập đầu tiên.

Thông tin trên báo chí cho hay, vừa rồi, toàn xã có hơn 300 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, trong đó nhiều nhà ngập sâu 2 đến 3 mét. Khác với các mùa lũ lụt trước, gần đây, với kinh nghiệm "sống chung với lũ" và nhờ những nhà nổi bằng phao khá vững chãi nên người dân và tài sản có giá trị được bảo vệ an toàn.

Dù nhà ở ngập sâu nhưng nước dâng tới đâu, nhà phao dâng lên đó và được cố định bằng một chiếc cọc sắt cho nên không bị lũ cuốn. Nhiều hộ kinh doanh còn chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm thiết yếu rồi phục vụ ngay trên nhà nổi cho những người có nhu cầu. Quả là câu chuyện chống lũ thời Sơn Tinh - Thuỷ Tinh: nước dâng cao đến đâu, núi dâng cao tới đó. Người dân trong cơn lũ lớn vẫn kiên cường chống chọi để tự lo cho bản thân và cả giúp đỡ những người xung quanh.

Một người dân ở thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa chia sẻ trên báo Nhân dân: "Khi mưa to, chúng tôi đã lùa trâu, bò lên tránh lụt trong các lán tạm dựng bên vách núi đá vôi. Ở đó có sẵn rơm khô và chuối dự trữ cho gia súc ăn trong những ngày mưa lũ. Còn lại các vật dụng có giá trị và cần thiết, lương thực, thực phẩm, nước uống được chúng tôi đưa lên nhà phao, cả bốn người trong gia đình đều lên đó tránh lũ an toàn. Nhà phao trở thành nơi ở hiệu quả cho người dân vùng ngập lụt Tân Hóa".

Chú thích ảnh
Cán bộ biên phòng Vinh Hiền (Huế) đưa người dân vùng trũng lên vùng cao. Ảnh: TTXVN

 Nhưng tôi muốn nhắc đến những hình ảnh đẹp khác trong nước lũ - đó là những hình ảnh về một đám cưới mà cô dâu, chú rể ngồi thuyền trong ngày ngập lụt tại Thừa Thiên – Huế được chia sẻ trong cộng đồng hôm 10/10 vừa qua. Do đã ấn định thời gian từ trước, cho nên lễ cưới của cặp đôi này vẫn cứ được tiến hành bình thường cho dù đường phố ngập sâu. Hình ảnh quan viên hai họ lội nước, ưu tiên cho chú rể cô dâu được ngồi trên thuyền cũng phần nào nói lên tinh thần vượt khó, chấp nhận sống cùng với hoàn cảnh để ngày vui được trọn vẹn. Đó cũng là một trải nghiệm và là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời.

Những hình ảnh của cặp đôi tổ chức đám cưới trong ngày ngập lụt cũng là minh chứng cho sự kiên cường của người dân trong vùng bão lũ. Trong bão giông thì hoa hồng vẫn nở. Họ cho thấy tình yêu cuộc sống là tình yêu cao cả, cho dù vẫn còn rất, rất nhiều niềm thương cần được chia sẻ.

Quốc Thắng (Thethaovanhoa.vn)
Chương trình nghệ thuật thiện nguyện 'Thương về miền Trung'
Chương trình nghệ thuật thiện nguyện 'Thương về miền Trung'

Thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật thiện nguyện "Thương về miền Trung" nhằm đón nhận tình cảm yêu thương, sự quyên góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, thiên tai, hoạn nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN