Những ngày đưa đón con đi học về, khi mà các đường chính bị kẹt cứng vào giờ cao điểm, kiểu gì tôi cũng phải len lỏi đường ngang ngõ tắt, xuyên qua ba cái chợ để về nhà.
Trên quãng đường chỉ chừng bốn kilomet ấy, ở cái chợ thứ ba, chợ Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sát ngay đầu chợ ở ngã ba, có một gian tạp hoá nhỏ bày bán các loại văn phòng phẩm từ tập vở học sinh, bút, giấy, băng dính, phong bì, nước ngọt, cho đến... túi nước đá. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là gian tạp hoá mặt tiền chỉ chừng ba mét này có một góc dành để bán báo in. Số lượng báo không nhiều, chỉ mươi tờ, với năm, sáu đầu báo các loại.
Giữa ngóc ngách và khu dân cư với chợ dân sinh ồn ã, lác đác xe ôm và những người lao động bận rộn của gánh nặng cơm áo, sạp báo nhỏ xíu này có người mua? Và nhất là, thời buổi công nghệ thông tin, internet với điện thoại thông minh tràn ngập, chả còn mấy ai giữ thói quen đọc báo giấy, ngay như mấy sạp báo gần cơ quan tôi, có sạp thì ‘biến mất’, có sạp cũng giảm phần lớn số lượng cũng như đầu báo; gian hàng tạp hoá bé nhỏ này vẫn duy trì bán báo bao nhiêu năm nay?
Sau nhiều ngày đi qua đi lại, cuối cùng, không nén được tò mò, tôi cũng dừng xe vào hỏi chuyện. Thì ra, đó là gian hàng của cụ Nguyễn Thị Mùi (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), trước từng là nhân viên Bưu điện huyện Thanh Trì, nhân viên Bưu điện Bờ Hồ. Cụ Mùi năm nay đã tám mươi tuổi, dáng người nhỏ nhắn nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Lúc gặp tôi cứ ngỡ năm nay cụ chỉ chừng bảy mươi tuổi, cỡ tuổi mẹ tôi thôi, và tôi cũng đoán cụ là giáo viên vì cách nói chuyện rất nhẹ nhàng, có duyên. Chả hiểu sao tôi cứ luôn nghĩ những người nói năng, đi lại nhẹ nhàng lại là giáo viên!
Và điều tôi nghĩ không chệch tí nào. Cụ Mùi vốn làm trong ngành giáo dục, đã có thời gian là hiệu trưởng của một trường mầm non. Cô giáo mầm non ấy, trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã tích tham gia công tác đoàn hội, trong đó có “chạy” công văn hoả tốc cho thôn Tương Mai (trước thuộc huyện Thanh Trì). Cô làm việc này phần là để góp sức giúp cho kháng chiến, phần là vì yêu thích, bởi nhiệt huyết, sự sôi nổi của tuổi trẻ. Cô cũng không thể ngờ rằng, đấy chính là khởi nguồn cho việc “bén duyên” với ngành bưu điện và chuyển nghề chừng ba năm sau đó.
“Một hôm ông Bách (đã mất), trưởng phòng Bưu điện huyện Thanh Trì hỏi tôi: -Cô có thích làm bưu điện không?”. Thế là cô trở thành nhân viên Bưu điện Bờ Hồ, làm ở bộ phận tiếp nhận công văn của các cơ quan nhà nước, phân loại, đóng dấu để chuyển công văn đi. Thời gian này cũng là lúc cô nhân viên bưu điện được tiếp cận với các tờ báo, từ Nhân Dân, Quân đội Nhân dân,... rồi các báo khác của Hà Nội, khi phân loại để chuyển báo đi, đến các địa chỉ. Khi kháng chiến vào những ngày khốc liệt, con còn nhỏ, chồng đi công tác xa (chồng cô từng học Đại học Hàng hải, thời kỳ chống Mỹ chuyên phá thuỷ lôi của địch, ông mất cách đây chừng ba năm), cô có thời gian về làm việc ở Bưu điện huyện Thanh Trì vì ở đây có khu tập thể, cả gia đình có thể ở tạm để đỡ khó khăn. –Có những ngày trực ca một mình, khi nhận được điện báo sẽ có thả bom, tôi chỉ kịp chạy ra khỏi bưu điện thì bom cắt rơi ngay trước cửa. Hồi ấy, bưu điện luôn là một trong những nơi bị địch thả bom đầu tiên, cụ Mùi kể.
Sau hơn ba mươi năm làm trong ngành bưu điện, khoảng năm 1998 cô Mùi về hưu, khi ấy 55 tuổi. Để có thể lo trang trải cuộc sống cho gia đình và chăm sóc bốn con trai, sẵn nghề nhân viên bưu điện trước đó, cô Mùi thuê cửa hàng mở đại lý bưu điện ở gần khu chợ bây giờ. Thời ấy, điện thoại di động chưa có mấy, đa phần mọi người dùng điện thoại bàn và sử dụng dịch vụ điện thoại công cộng. Đại lý bưu điện với 3 ca-bin điện thoại, bán cả tem thư, nhận chuyển thư đi, thư đến, bán báo các loại, lại ở trong khu dân cư, gần chợ, nên lúc nào cũng đông khách.
Đến khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, điện thoại di động được sử dụng nhiều, người gửi thư cũng thưa vắng, đại lý bưu điện của cô đành ngưng hoạt động. Chục năm lại đây, trên mảnh đất mua được từ tiền tích cóp của cả hai vợ chồng, cô mua mảnh đất cách chỗ đại lý bưu điện thuê trước đây chừng vài chục mét, mở gian hàng tạp hoá nho nhỏ và vẫn giữ thói quen bán báo, dù lời lãi không đáng bao nhiêu.
Ngày ngày, mưa cũng như nắng, giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, cứ 6 giờ sáng, cụ Mùi đều đặn đi bộ từ nhà trong ngõ cách đó chừng vài trăm mét, ra gian tạp hoá bán hàng. Con cái nói để con chở mẹ ra, nhưng cô muốn đi bộ cho khoẻ người. Người dân trong xóm nói, cứ thấy cụ Mùi đi ngang qua là biết mấy giờ, chuẩn xác như đồng hồ vậy.
–Thời kỳ làm đại lý bưu điện thì báo bán chạy vô cùng, bán cả chục đầu báo các loại, có báo hết nhanh không còn mà bán. Năm năm trước đây thôi, vẫn có lúc tiền báo lấy vào để bán là cả triệu đồng, nhưng nay, cả tuần cộng lại cũng chỉ chừng vài trăm nghìn đồng. Giờ người mua báo ít lắm, chủ yếu là trung niên và các cụ hưu trí.
Nhưng đã thành thói quen từ khi còn làm ở Bưu điện Bờ Hồ, các tờ báo đã trở nên quen thuộc, không thể thiếu trên sạp hàng nên cụ Mùi vẫn giữ thói quen bán báo, mỗi ngày chỉ chừng chục tờ các loại. Vào 6 giờ sáng, bộ phận phát hành chuyển báo đến, cũng là lúc cô ra cửa hàng. Cô cũng giữ thói quen đọc báo mấy chục năm nay.
-Sáng nào cô cũng đọc báo cháu ạ. Cô thích nhất là mục thời sự, cả trong nước lẫn quốc tế, đọc xong các tin ấy mới sang các thông tin khác. Gian hàng tạp hoá này, sắp tới, cậu con trai út cũng sẽ xây nhà, nhưng cô cũng nói với con, mẹ sẽ vẫn mở một gian nho nhỏ đế bán báo, như một cách để an vui tuổi già, cũng là để nhớ nghề mình đã theo đuổi cả bao nhiêu năm.
Lúc ra về, cô chỉ cho tôi xem bức ảnh chụp Bưu điện Bờ Hồ có lồng ảnh chân dung mình, treo trang trọng trên bức tường của gian hàng, nói một cách rất tự hào, đó là bức ảnh Bưu điện TP Hà Nội tặng nhân dịp năm mới 2006. Còn tôi thì cứ nhớ hình ảnh cô, trong lúc nói chuyện với tôi, thi thoảng có khách mua hàng, lúc thì cuộn băng dính, vài tờ giấy A4, lúc thì túi nước đá và nhất là khi có khách mua báo, tôi thấy niềm vui từ trong mắt cô - người nhân viên bưu chính già rất mực yêu nghề.