Trong đó, xuất hiện tình trạng nhiều xe chở quá khổ, quá tải trọng, không chỉ làm hư hỏng hệ thống đường giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, mà còn làm đứt hàng loạt dây dẫn điện từ trụ điện hạ thế vào nhà người dân, gây bức xúc.
Tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, mỗi ngày, trên các tuyến đường Trần Văn Trà, địa bàn thành phố Tây Ninh, đường DT 781B thuộc huyện Tân Châu, Quốc lộ 22B thuộc huyện Tân Biên, Tây Ninh… có hàng chục đến cả trăm xe mía quá khổ, có dấu hiệu quá tải trọng, chở cây mía nguyên liệu về nhà máy đường. Trên các tuyến đường này có nhiều xác cây mía do các phương tiện chuyên chở làm rơi rớt xuống đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Ngoài ra, nhiều người dân còn phản ánh xe chở cây mía quá khổ làm đứt, gãy đổ nhiều trụ điện, dây điện hạ thế gây thiệt hại tài sản và nguy cơ bị điện giật do rò rỉ điện.
Bà Nguyễn Thị Phượng (41 tuổi, trú tại ấp Giồng Tre, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh) cho biết, tình trạng xe chở mía quá khổ, quá tải diễn ra rất thường xuyên, khiến việc lưu thông của người dân rất khó khăn; xe chở mía thường chất cao hơn thành thùng xe, hoặc dài hơn chiều dài của thùng xe, đồng thời di chuyển với tốc độ cao, khiến cây mía dễ rơi rớt xuống đường gây nguy hiểm; nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng khi lưu thông trên đường có xe tải chở cây mía đi qua.
Ông Nguyễn Thái Hòa (51 tuổi, trú tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, vừa qua, dây điện hạ thế của gia đình ông bị xe chở mía quá khổ kéo đứt giữa đêm. Xe chở mía cồng kềnh thường xuyên di chuyển với tốc độ cao dẫn đến tình trạng nhiều khói, bụi, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân; làm rơi rớt nhiều bó mía xuống mặt đường. Vào giờ cao điểm, xe mía đậu thành nhiều hàng dài, gây cản trở, ùn tắc giao thông khiến người dân vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Thái Hòa kiến nghị các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan sớm vào cuộc giải quyết tình trạng xe quá khổ, quá tải; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, lái xe… tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, tránh gây thiệt hại và nguy hiểm cho người dân.
Ông Đoàn Văn Thịnh, Trưởng ấp Giồng Tre, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh cho biết, theo phản ánh của người dân, xe tải chở cây mía thường chất mía cao vượt quá thiết kế của thành thùng xe, khi lưu thông trên đường dễ vướng vào dây điện, gây dứt gãy tụ điện, hoặc do chất mía quá khổ nên thành thùng mía thường nghiên hẳn sang một bên, dẫn đến tình trạng rơi rớt cây mía xuống đường, gây nguy hiểm cho người đi đường và ô nhiễm đường phố. Xe chở mía thường di chuyển vào đêm khuya với tốc độ cao, khi gây thiệt hại đến người dân thường không dừng lại giải quyết, người dân vô cùng bức xúc.
Lái xe chở quá tải tránh các chốt, trạm kiểm tra
Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh, năm 2023, lực lượng Thanh tra trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra trên 4.200 cuộc, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 619 triệu đồng. Hiện nay, một số tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều đường nhánh, các lái xe chở quá tải thường rẽ vào các đường nhánh để tránh các chốt, trạm kiểm tra tải trọng xe, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.
Ngoài ra, có tình trạng các đối tượng “canh đường” ngày càng nhiều, luôn bám theo lực lượng tuần tra, kiểm soát để báo tin cho lái xe, chủ xe biết đoạn đường mà lực lượng chức năng đang đi kiểm tra để né tránh, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ xử lý xe quá tải. Một số trường hợp khi kiểm tra, lái xe cố tình không cung cấp tài khoản truy cập thiết bị giám sát hành trình, thông tin về các doanh nghiệp, bãi bốc xếp hàng hóa, phiếu cân… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Tân, lực lượng Thanh tra Giao thông khá mỏng, trên địa bàn mỗi huyện, thị xã, thành phố chỉ có 2 công chức Thanh tra giao thông, nhưng đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ như: Kiểm tra bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, công tác phối hợp giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, luân phiên tham gia các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động… nên rất khó khăn trong công tác kiểm soát tải trọng xe hiện nay.
Ông Đặng Hoàng Chương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Tây Ninh cho biết, Sở nhận được phản ánh của người dân liên quan đến các phương tiện quá khổ, quá tải; đã chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, xử lý tất cả các phương tiện chở quá khổ, quá tải; phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, hàng năm, ngành giao thông đều triển khai mời các chủ phương tiện trên địa bàn thực hiện cam kết không thực hiện chở quá khổ, quá tải; vận động, tuyên truyền đến các doanh nghiệp thực hiện cam kết không xuất hàng hóa quá tải trọng đối với các phương tiện vận tải.
Cũng theo ông Đặng Hoàng Chương, tỉnh hiện có 2 trạm cân lưu động, thực hiện kiểm tra tải trọng xe 24/24 giờ. Thời gian tới, để công tác kiểm soát tải trọng xe có hiệu quả, ngành giao thông sẽ chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát các xe quá khổ, quá tải trọng.