Tháo gỡ khó khăn để người dân sớm di dời khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Chấp nhận sinh sống bên bờ sông Thạch Hãn đang sạt lở mặc dù khu tái định cư có sẵn, đó là tình trạng chung của nhiều hộ dân thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

Chú thích ảnh
Một ngôi nhà bị nứt ngay sát bên bờ sông Thạch Hãn của thôn Như Lệ, xã Hải Lệ. 

Nguyên nhân là do mức hỗ trợ đền bù còn thấp, sinh kế khó khăn, quy định về đối tượng nằm trong diện di dời đến khu tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc…

"Thấp thỏm" bên bờ sông bị sạt lở

Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị được phê duyệt từ năm 2016 với tổng kinh phí đầu tư hơn 39 tỷ đồng, diện tích quy hoạch 35,5ha. Mục tiêu là di dời 60 hộ với 297 khẩu trong vùng sạt lở bờ sông đến nơi an toàn. Đến tháng 6/2022, dự án thi công hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. Mỗi hộ dân trong diện di dời được cấp 1.500m2 đất, trong đó có 300m2 đất ở. Sau quá trình triển khai, dự án điều chỉnh lại còn hộ dân nhưng thực tế chỉ có 9 hộ nhận đất tại khu tái định cư, trong đó có 4 hộ xây nhà ở.

Căn nhà của bà Ngô Thị Thủy (55 tuổi), thôn Như Lệ, xã Hải Lệ được xây dựng từ năm 1993 với tổng diện tích trên 200m2 sát bờ sông Thạch Hãn. Từ năm 2020, sau những trận mưa lũ lớn, đất sạt lở xói mòn ăn sâu vào đất liền khiến phần vườn và bếp, công trình phụ của gia đình bà bị trôi xuống sông. Hằng năm, cứ đến mùa mưa lũ, chính quyền địa phương lại vận động cả gia đình bà di dời đến nơi khác nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Mỗi năm khi mùa mưa lũ đến, cả gia đình lại dìu dắt nhau ở nhờ nhà bà con. Gia đình cũng muốn di dời lên khu tái định cư để ổn định cuộc sống nhưng hiện nay điều kiện kinh tế còn khó khăn, mức hỗ trợ còn thấp (60 triệu đồng), giấy sử dụng đất không thể vay tiền nên đành phải ở lại nhà cũ…

Vào tháng 10/2022, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng khiến 1 người chết, sập 3 ngôi nhà. Là một hộ chịu thiệt hại nặng trong thời điểm trên, sạt lở đã khiến ngôi nhà của ông Phạm Bá Chung bị đổ sập hoàn toàn. Từ số tiền hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, ông sửa tạm lại công trình phụ để ở đến nay.

Tuy nhiên, gia đình ông không thuộc đối tượng di dời do một số điều quy định có liên quan đến Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND năm 2023 của HĐND tỉnh Quảng Trị và một số quy định thay đổi của Luật đất đai năm 2024. Gia đình ông đã gửi đơn lên địa phương và các ngành chức năng có liên quan xem xét bố trí đất ở khu tái định cư nhưng chưa được giải quyết. Trong lúc chờ các cấp liên quan rà soát lại thì không chỉ gia đình ông mà còn nhiều hộ dân sống ở khu vực bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ vẫn còn sống trong cảnh thấp thỏm và chờ đợi. Mong rằng chính quyền sớm quan tâm, rà soát lại hỗ trợ để di dời bà con đến nơi an toàn.

Cần giải pháp triệt để hỗ trợ di dời người dân

Chú thích ảnh
Sạt lở bờ sông ăn sâu vào đất liền tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ. 

Việc di dời các hộ dân sống trong vùng sạt lở bên bờ sông Thạch Hãn còn gặp nhiều khó khăn, một phần do mức đền bù, hỗ trợ còn thấp. Theo đó, mỗi gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng, trong đó địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng. Phần lớn cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, mức hỗ trợ trên chưa đủ để xây dựng lại nhà cửa ở khu tái định cư. Bên cạnh đó, một số hộ không muốn đi vì khó khăn trong việc phát triển sinh kế. Đặc biệt, công trình kè chống xói lở qua sông Thạch Hãn đang được xây dựng cũng khiến người dân thêm phần chủ quan.

Liên quan đến việc rà soát, lựa chọn đối tượng thuộc diện di dời, hiện nay đang vướng Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc chương trình bố trí, ổn định dân cư các vùng ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025 và Luật đất đai 2024. Nghị quyết có mức hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân và nhiều thay đổi về quy định liên quan đến đất đai. Do đó, chính quyền địa phương cần tiến hành rà soát, bình xét lại các hộ dân đảm bảo đủ các điều kiện di dời.

Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ cho biết: Chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng và đủ về quy định của Nhà nước liên quan đến di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở bờ sông. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, xã đã lên phương án tổng thể rà soát, lựa chọn đối tượng cụ thể trong diện di dời với phương châm đảo bảo quyền lợi chính đáng cho bà con. Xã cũng đã báo cáo UBND thị xã Quảng Trị và các ngành cấp trên để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định vùng sạt lở theo quy định của Luật đất đai 2024 làm tiền đề, cơ sở để xã rà soát lại các đối tượng trong vùng di dời lên khu tái định cư…

Chú thích ảnh
Sạt lở bờ sông ăn sâu vào đất liền tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ. 

Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: Khu tái định được xây dựng để phục vụ cho các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao của thị xã với tổng 50 hộ dân, trong đó xã Hải Lệ có hộ. Hiện nay, việc di dời dân đến khu tái định cư còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hỗ trợ các gia đình còn thấp. Bên cạnh đó, kè chống xói lở đang triển khai nên người dân khá chủ quan. 

Trong thời gian tới, UBND Thị xã Quảng Trị sẽ tiếp tục vận động các hộ dân trong vùng nguy cơ cao đến khu tái định cư mới để bảo đảm tính mạng, ổn định sản xuất. Địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Đối với những hộ gia đình nằm trong khu vực sạt lở nhưng không thuộc diện di dời do vướng các quy định, UBND thị xã đang tiến hành rà soát lại để có tờ trình, kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền có liên quan…

Bài, ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)
Đồng bằng sông Cửu Long có gần 800 km sạt lở
Đồng bằng sông Cửu Long có gần 800 km sạt lở

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 743 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 794 km, trong đó có 1 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Diễn biến thiên tai vùng này được dự báo còn phức tạp, khó lường hơn thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN