Tổng đạo diễn Lê Hải Yến: Tôi muốn chương trình vinh danh nghệ thuật Xòe Thái cũng là một 'di sản'

"Xòe Thái – tinh hoa miền di sản" là chủ đề của chương trình “Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc “Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022”.

Chương trình sẽ diễn ra tại Sân vận động Nghĩa Lộ (Yên Bái) ngày 24/9/2022 (trực tiếp trên VTV1 và tiếp sóng trên YTV từ 20h). Chương trình do UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tổ chức và Newday Media thực hiện. Tổng đạo diễn chương trình là nữ đạo diễn Lê Hải Yến, CEO Newday Media.

Chú thích ảnh
Sân khấu thực cảnh chương trình

Xòe sinh ra từ người Thái, sống cùng người Thái và lớn lên cùng người Thái. Với đồng bào Thái, trải qua bao biến thiên vẫn còn lại hàng vạn trang chữ Thái cổ và những điệu Xòe cổ chính là báu vật của dân tộc Thái, của Tây Bắc và của quốc gia, cuốn hút bao du khách trong và ngoài nước. 

Vì vậy, Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và “Lễ hội văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá danh thắng Ruộng Bậc Thang Mù Cang Chải năm 2022” là cơ hội để quảng bá di sản văn hóa này với đông đảo du khách địa phương, trong nước và quốc tế; đồng thời đây cũng là dịp để khán giả hiểu hơn về nguồn gốc, cội nguồn di sản, sự phong phú đa dạng và những nét đẹp tinh hoa trong bộ môn nghệ thuật cộng đồng này.  

Chú thích ảnh
Sân khấu thực cảnh chương trình

Với kịch bản của đạo diễn Lê Hải Yến, chương trình Lễ đón nhận “Xòe Thái – tinh hoa miền di sản” hứa hẹn một sự khác biệt, độc đáo, vừa khai thác được sức quyến rũ của nghệ thuật Xòe Thái, vừa tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái ở các vùng Tây Bắc, xứng tầm với sự kiện đón bằng ghi danh của UNESCO. 

Chương trình nghệ thuật “Xòe Thái – tinh hoa miền di sản” sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời.

Chương trình gồm 3 chương, kể về lịch sử, con người, văn hoá, đời sống… của người Thái. Chương 1 là “Thiên di - Dựng bản, lập mường”, chương 2 là “Miền Di sản” và chương 3 “Tinh hoa nghệ thuật Xòe”.

Với lối kể non- stop (không dừng lại), các chương sẽ như dòng Nậm Thia cuộn chảy không ngừng tái hiện câu chuyện thiên di của 2 anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dựa theo cuốn sử thi “Quan tô mương”, vào khoảng thế kỷ thứ XI về lịch sử hình thành của người Thái ở Tây Bắc, các hoạt cảnh sẽ liên tiếp tái hiện những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc nhất của người Thái thông qua hình ảnh người con gái Thái, và từ đây tôn vinh điệu Xoè- di sản phi vật thể văn hoá nhân loại với 2.022 người tham gia màn Đại Xoè.  

Chú thích ảnh
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tham gia họp báo chương trình tại UBND Yên Bái.

Theo tiết lộ của đạo diễn và ekip, chương trình không chỉ là liên tiếp những đại cảnh do 900 diễn viên chuyên và không chuyên biểu diễn, mà còn có nhiều “diễn viên” là trâu, bò, ngựa… đều là thật. Rất nhiều đạo cụ sân khấu trong các màn tái hiện phong tục văn hoá của người Thái cũng đều được lấy từ các hiện vật trong các gia đình người Thái nhờ sự nghiên cứu và sưu tầm hết sức công phu, tỉ mỉ về văn hoá Thái của ekip, kể cả bộ trang phục cô dâu chú rể cho màn tái hiện đám cưới người Thái cũng là thật chứ không phải trang phục biểu diễn.     

Một trong những dấu ấn khác biệt với các chương trình lễ hội khác của “Xòe Thái – tinh hoa miền di sản” là không chỉ là một vở đại vũ kịch dân gian Tây Bắc khổng lồ, mà còn là sự táo bạo của đạo diễn và đơn vị thực hiện khi sân khấu của Lễ hội sẽ chảy dài từ sân khấu xuống toàn bộ sân vận động trung tâm, được liên kết xuyên suốt với hình tượng dòng suối chảy ngang qua sân vận động như dòng Nậm Thia (ngòi Thia) chảy dài từ trên thượng nguồn những dãy núi bao la, xuống tận vùng đồng bằng.   

Ê-kíp thực hiện chương trình tiết lộ: “Sân khấu biểu diễn của chương trình gồm 2 thành tố: sân khấu chính và sân khấu trung tâm dưới Sân vận động. Sân khấu chính với 3 cấp biểu diễn, lấy hình tượng chủ đạo là hình ảnh Quả Bầu Mẹ - tượng trưng cho ý nghĩa “Bầu ơi thương lấy bí cùng; Tuy rằng khác giống nhưng chung 1 giàn” để nói về một hình tượng đặc trưng của Tây Bắc, cũng là một trong những hình tượng gắn với tích Quả Bầu Tiên và cội nguồn của các dân tộc Việt Nam. Vắt ngang qua quả Bầu mẹ là hình tượng chiếc khăn Piêu thổ cẩm uốn lượn trên sân khấu, nối xuống dưới sàn và chạy quanh sân vận động được làm từ hiệu ứng LED matrix để khi là một con đường, khi lại trở thành dòng suối”.  

“Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với người dân Thái, với Yên Bái nói riêng và với Việt Nam nói chung. Điều này khiến tôi gặp không ít áp lực để làm sao có thể xây dựng một chương trình xứng tầm với loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại. Nếu như trước đây, tôi mong muốn khán giả, du khách thấy được vẻ đẹp của Xòe Thái và lan tỏa điều đó, gọi mời họ cùng đến với Xòe, với Yên Bái để cùng hòa vào điệu Xòe đoàn kết, cùng chiêm ngắm và tận hưởng những nét đặc sắc của văn hóa, cảnh sắc Tây Bắc; thì giờ đây, tôi nhận trách nhiệm, sứ mệnh lớn lao là vinh danh Xòe Thái xứng tầm là di sản phi vật thể của nhân loại, để thế giới không chỉ tò mò mà phải trầm trồ về di sản này. Từ đó góp phần tạo sự tiếp nối, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nghệ thuật Xòe trong đời sống đương đại, cho thấy sức sống mãnh liệt của nó trong cộng đồng”, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ.

Có thể nói, chương trình “Xòe Thái- Tinh hoa miền di sản” là một vở đại vũ kịch, là một thiên sử thi hùng tráng, đặc sắc mang thể hiện được dấu ấn văn hoá mang tính cốt lõi, đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của người Thái. Xem một chương trình nghệ thuật nhưng khán giả sẽ thấy được cả một sự chảy trôi của huyền tích, lịch sử, những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc lớp lớp xuất hiện qua từng đời, từng thế hệ, được giữ gìn tiếp nối và phát triển mãi đến tận hôm nay, góp phần khẳng định Xòe Thái xứng đáng là di sản phi vật thể của nhân loại.

Chú thích ảnh
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ ý tưởng chương trình trong họp báo tại UBND Yên Bái

Cũng vì ý tưởng tôn vinh Xòe và lịch sử, nét đẹp văn hóa của người Thái cũng như đất và người Tây Bắc, lấy người dân làm chủ thể  cũng như đất và người Tây Bắc, nên trong vở đại vũ kịch dân gian này, đạo diễn Lê Hải Yến chỉ mời duy nhất hai nghệ sĩ tham gia là Tùng Dương và Sao mai Sèn Hoàng Mỹ Lam biểu diễn, còn lại các nghệ sỹ đều dành để chính những nghệ nhân dân gian người dân Thái và Tây Bắc được thể hiện, được kể về đồng bào mình - chủ thể của nghệ thuật Xòe Thái cũng là chủ thể của chương trình. Tham gia biểu diễn trong chương trình là gần 3.000 diễn viên, trong đó, diễn viên quần chúng tham gia màn Đại Xòe lên tới 2022 bà con dân tộc Thái từ Nghĩa Lộ, Văn Chấn, cùng với 200 diễn viên đoàn Múa Ta Dance, 200 diễn viên tại Trường CĐ Yên Bái, 500 Học sinh, sinh viên các trường & bà con dân tộc Thái tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn.  

 “Mặc dù rất nhiều áp lực nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ làm được những điều hơn cả một Lễ hội, đó là truyền đi một tình yêu, một niềm tự hào với Xòe, với văn hóa Tây Bắc đến với người dân khắp nơi trên thế giới”- Tổng đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ. 

Hiện nay, các diễn viên và nhân dân cùng ekip thực hiện chương trình đang miệt mài tập luyện tại Yên Bái và Hà Nội. Toàn bộ các công tác setup cũng đang được tiến hành khẩn trương và công phu do để thực hiện được chương trình này, đạo diễn Lê Hải Yến sẽ phải thay đổi rất nhiều bố cục ở Sân vận động Nghĩa Lộ- nơi diễn ra sự kiện. Chị cũng tỉ mỉ và tâm huyết đưa toàn bộ hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại hàng đầu hiện nay từ Sài Gòn ra nhằm đảm bảo nổi bật được từng chi tiết, hiệu ứng sân khấu mà mình muốn thể hiện.

Tổng đạo diễn Lê Hải Yến và Newday Media đã từng thực hiện sự kiện Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào tháng 9/2019, thu hút hơn 20.000 người tham dự. Màn Đại Xòe với 5.000 người tham gia trên sân vận động trong chương trình ngày đó đã gây ấn tượng mạnh trong dư luận, trở thành một trong những dấu ấn đáng nhớ trong hành trình ghi danh di sản thế giới của Xòe Thái.

Chương trình đã làm “sống dậy” các giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc một cách hấp dẫn và thu hút với khán giả cũng như du khách, góp phần vào việc quảng bá du lịch, thu hút giới trẻ quan tâm và yêu thích lịch sử truyền thống và kích cầu du lịch Yên Bái 3 tháng cuối năm tăng 30% so với 2018.

Nhờ đó, chương trình Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2019 đã được vinh danh trong Giải thưởng Stevie Awards tại Mỹ lần thứ 17 với giải Vàng hạng mục Chiến dịch truyền thông của năm và giải Bạc hạng mục Chương trình cộng đồng của năm cho màn Đại Xòe lớn nhất Việt Nam, hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc cộng đồng cho điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
MH
Yên Bái sẵn sàng cho Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái
Yên Bái sẵn sàng cho Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái

Ngày 13/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN