Làn đường ưu tiên cho xe bus ở Zurich được sơn vạch vàng, có chữ Bus rõ ràng. Ảnh: treehugger.com |
Một lần phải rẽ phải mà làn ưu tiên xe buýt là bên phải, thấy đằng trước nhiều ô tô, làn buýt không có xe, tôi chuyển sang làn buýt trước khi kết thúc vạch phân cách vài mét để chuẩn bị rẽ sớm một chút, thế là bị đánh trượt. Cái thói quen suy nghĩ “đơn giản” khi tham gia giao thông như ở Việt Nam của tôi còn cần thời gian để sửa.
Một lần thi lấy bằng ô tô khác, qua đường có hệ thống đèn mà nhiều lần đi qua chỉ thấy nhấp nháy vàng, chưa lần nào tôi thấy bật đỏ. Bỗng nhiên hôm thi đến đấy nó không nháy nữa rồi chuyển sang đỏ khá nhanh làm tôi phải phanh gấp. Lại trượt tiếp. Thì ra có cái xe buýt từ phía xa sắp đến thì hệ thống đèn đỏ mới hoạt động. Thầy giáo dạy lái xe bảo bên này xe buýt được chủ động điều khiển tốc độ đèn xanh đỏ.
Bạn bè tôi từ Pháp, Mỹ qua chơi Thụy Sĩ ít nhiều vẫn bị dính hoá đơn phạt vì vi pham giao thông, đều là phạt “nguội”: Camera tự động chụp hình biển số lúc mình qua tốc độ hay vượt đèn, gửi hoá đơn về địa chỉ nhà. Có bạn từ Mỹ sang tháng đầu dính đến 3, 4 cái hoá đơn.
Có những lỗi không phải dễ thích nghi dù lái xe lâu năm như: đèn đỏ thì không bao giờ được rẽ phải, hoặc khi đèn xanh, mình rẽ phải nhưng phải nhường ưu tiên cho người đi bộ, đến lúc người đi bộ đi qua hết, mình di chuyển thì đèn lại chuyển sang đỏ khiến mình bị phạt.
Camera bắn quá tốc độ và vượt đèn đỏ bị “mang tiếng” là máy kiếm tiền của Thụy Sĩ. Ví dụ năm 2009 riêng Geneve thu 15,8 triệu CHF qua gần 160.000 hoá đơn bắn tốc độ tự động.
Với chính sách khắt khe với phương tiện cá nhân, khuyến khích mọi người dùng phương tiện công cộng, năm 2014 Thụy Sĩ vẫn giữ kỷ lục thế giới về số km sử dụng phương tiện công cộng của người dân với 2.303 km/ người/ năm. Theo sau là Nhật Bản với 1.912 km, Pháp 1.301 km…
Năm 2014 một bức ảnh lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội là hình ảnh Tổng thống Thụy Sĩ bắt tàu công cộng đi làm như một người dân thường.
Có hôm tôi nói chuyện với một lãnh đạo cao cấp của công ty khi hai chúng tôi cùng bắt tàu điện về nhà, ông ấy kể mình là người mê lái xe, thậm chí hồi trước từng từ chối một công việc khá hấp dẫn chỉ vì họ không bố trí bãi đậu xe riêng cho ông, tuy nhiên bây giờ ông thích đi làm bằng phương tiện công cộng vì với điện thoại và Internet ông có thể đọc và xử lý công việc thoải mái ngay trên đường đi làm.
Bức ảnh tổng thống Thuỵ Sĩ Didier Burkhalter đợi tàu đi làm năm 2014. Ảnh: thelocal.ch |
Mấy ngày nay đọc báo Việt Nam tôi vẫn thấy những phàn nàn về sự chậm trễ của xe buýt nhanh, vẫn còn nhiều người dân, thậm chí xe biển xanh đi lấn làn xe buýt, hay còn những suy nghĩ “đơn giản” của người dân như: “Xe buýt có đỗ trước cửa nhà tôi như xe máy không?”.
Nhưng để sống trong một đô thị văn minh hiện đại, người dân rồi sẽ dần phải quen với việc ưu tiên phương tiện công cộng, quen với việc bị nhận hoá đơn phạt vì camera ghi được biển xe mình lấn làn, và sẽ không còn chuyện xin xỏ, gọi người quen khi bị công an giao thông xử phạt nữa.
Tôi hy vọng từ tuyến xe buýt nhanh này sẽ tạo ra một “hệ sinh thái” góp phần vào sự phát triển của thủ đô: Người dân sẽ có ý thức với giao thông hơn, công an giao thông sẽ nghiêm khắc, minh bạch hơn, cơ sở hạ tầng cho giao thông xây dựng sẽ hợp lý và tử tế hơn, công nghệ sẽ áp dụng nhiều hơn cho giao thông quy hoạch, quản lý hành chính sẽ giản tiện, hiệu quả hơn trong việc xử lý vi phạm giao thông.
Và tôi tin nếu Hà Nội quyết giữ được tuyến xe buýt nhanh hoạt động trôi chảy, đúng giờ thì tiến trình phát triển của Thủ đô, của đất nước chắc chắn sẽ trôi chảy, không bị bỏ lỡ nữa.