Thiếu nhân công lao động, những người bám trụ với nghề đã nỗ lực bảo tồn làng nghề truyền thống bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư máy móc hiện đại, vừa thay thế sức lao động vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Võ Thị Thu Hà, tổ trưởng tổ đan lát gia đình ở thị xã Ngã Bảy, một trong những tổ đan lát đang "ăn nên làm ra" đã đầu tư mua máy chuốt nan, thay thế cho khoảng 5 người chuốt nan bằng thủ công. Máy chuốt nan tre chia nan thành 2 phần, phần cứng phía ngoài dùng đan cần xé, phần mềm phía trong được tận dụng để đan mê bồ, nan do máy chuốt đều, mịn hơn nên làm ra sản phẩm đẹp mắt và chất lượng hơn.
Nghề đan lát ở thị xã Ngã Bảy tạo thêm thu nhập cho người lao động lúc nhàn rỗi. |
Bà Võ Thị Thu Hà cho biết, hiện nhiều người trẻ không còn thiết tha với nghề này. Ở làng nghề bây giờ chủ yếu chỉ người lớn tuổi, phụ nữ là còn bám trụ với nghề. Nhân công ít nhưng nhu cầu thị trường vẫn còn nên phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác ở đây đều đầu tư máy chuốt nan để thay thế sức người, cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm của nghề truyền thống địa phương. Hơn nữa, nhiều khi thương lái cần gấp số lượng lớn các sản phẩm đan lát, nhưng nhân công đan lát thiếu hụt, máy chuốt nan sẽ đáp ứng được các đơn đặt hàng, để từ đó tiếp tục giữ được mối cung ứng, bảo đảm nghề đan lát tồn tại và phát triển.
Vì đan lát là nghề truyền thống của gia đình nên những người thợ đan lát làm quen với nghề từ khi còn rất nhỏ, đến 10 tuổi thì bắt đầu học và làm nghề. Bà Trần Thị Đồng ở thị xã Ngã Bảy, cho biết: Học nghề từ năm 10 tuổi, đến nay bà đã gắn bó với nghề được 45 năm. Bên cạnh nghề nông, bà Đồng làm thêm nghề đan lát để vừa có thêm thu nhập vừa giữ gìn nghề truyền thống của quê hương. Hiện nay, tổ đan lát mà bà tham gia có thêm máy móc phụ trợ nên giảm được sức lao động đáng kể tại nhiều công đoạn, bà tin tưởng làng nghề sẽ tiếp tục được giữ vững trong thời gian tới.
Sử dụng máy chuốt nan nhanh gấp 5 lần so với lao động thủ công. |
Nghề đan lát tồn tại hơn nửa thế kỷ tại thị xã Ngã Bảy, gắn liền với chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng. Sản phẩm của làng nghề được cung cấp cho thương lái chợ nổi để đựng hàng hóa, trái cây, rau củ phục vụ cho việc giao thương trên ghe thuyền.
Khi làng nghề còn hưng thịnh, ở Ngã Bảy có hơn 50 hộ gia đình tham gia đan lát, cung cấp hơn 150.000 sản phẩm cho thị trường mỗi năm. Không chỉ cung cấp cho khu vực Ngã Bảy, sản phẩm đan lát của làng nghề còn được cung cấp cho vùng Ngã Năm (Sóc Trăng), vùng Cái Răng (Cần Thơ) và nhiều địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Làng nghề đan lát có nhiều sản phẩm, trong đó nhiều nhất là cần xé - một loại giỏ đan lớn thường dùng để đựng rau củ, trái cây và các loại hàng hóa. Cần xé cũng có nhiều loại: Nhỏ, vừa và lớn tùy vào loại hàng hóa cần đựng. Theo cách đan, cần xé cũng chia ra nhiều loại như: Loại thưa để đựng trái cây, loại dày đựng vật nặng như đất, cát, các loại củ, quả lớn. Cần xé được đan bằng mặt cứng phía ngoài của thân tre, nguyên liệu được lấy từ tre trồng ở địa phương và nhập từ nơi khác về. Mỗi chiếc cần xé được người dân làng nghề đan trong khoảng 2 ngày, bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/chiếc.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác tập hợp số lượng lớn sản phẩm rồi giao cho người mua để vận chuyển đi cung cấp cho các nơi. Thương lái, tiểu thương thường dùng cần xé loại lớn đan thưa, lót thêm lá chuối tươi bên trong rồi đựng các loại trái cây, giúp trái cây tránh bị dập, nát và giữ được tươi lâu. Làng nghề còn có các loại sản phẩm như mê, bồ, dùng để đựng lúa trong mùa thu hoạch...