Người Nùng An ở Cao Bằng vốn lấy sản xuất nông nghiệp làm chính, thế nhưng họ cũng nổi tiếng khéo tay với nhiều nghề thủ công truyền thống như làm giấy, làm hương, dệt vải thổ cẩm, đan lát, làm ngói, đục đá và nhất là nghề rèn đúc kim khí.
Không ai biết chính xác nghề rèn ở xã Phúc Sen có từ bao giờ, chỉ biết rằng những cụ cao niên từ khi còn nhỏ đã được nghe kể rằng, sau khi nhà Mạc tan rã ở Cao Bằng (thế kỷ XVI), các thợ rèn đúc vũ khí của nhà Mạc di tản vào sống cùng với người dân bản địa. Khi người Nùng An từ phía Trung Quốc di cư đến sống ở xóm Phia Chang (Phúc Sen), họ đi tìm người rèn sắt để chế tác các dụng cụ hỗ trợ lao động.
Họ gặp một lão thợ rèn không rõ quê quán, chỉ biết là người dưới xuôi đang rèn dao trong một túp lều nhỏ gần chợ Quảng Uyên. Thấy người thợ đã già yếu lại không có gia đình nên họ mời về sống ở bản Phia Chang, dựng cho lão một căn nhà nhỏ, cùng một cái lò rèn. Từ đó, ông lão đã truyền hết kỹ nghệ nghề rèn cho dân bản, từ cách chế tạo súng kíp, đúc gang làm lưỡi cày đến rèn dao, búa, các loại nông cụ…
Ban đầu, sản phẩm rèn của Phúc Sen chủ yếu phục vụ sản xuất và một phần để trao đổi hàng hóa thiết yếu khác, nhưng vì chất lượng sản phẩm tốt nên danh tiếng làng nghề dần lan xa, người dân nhiều vùng lân cận đã đến đặt hàng. Từ năm 1960, Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp rèn sắt Phia Chang và sau này là Hợp tác xã rèn thủ công Phúc Sen ra đời. Từ đó, nghề rèn dần lớn mạnh, sản phẩm rèn của Phúc Sen đã vươn ra các tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, sang cả Trung Quốc.
Mặc dù các sản phẩm ở đây không bắt mắt, lại có giá bán cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, ở Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn đúc với khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Theo ông Linh Văn Phù- Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen, hiện nghề rèn đang mang lại thu nhập khá và là nghề xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất tại địa phương. Nếu được Nhà nước hỗ trợ thêm về kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, hiệu quả kinh tế của nghề này còn được phát huy tốt hơn.
Người dân Phúc Sen rất kỹ tính trong việc lựa chọn nguyên liệu để rèn đúc. Họ thường chọn mua những lá nhíp ô tô cũ để làm dao, cuốc, nông cụ. Vì thế, những sản phẩm làm ra thường sắc bén, có độ bền cao. Quy trình rèn thủ công phải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, công đoạn tôi thép là khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm, vì thế thường được các thợ cả giàu kinh nghiệm thực hiện.
Cụ Lương Văn Vảng - một thợ rèn giàu kinh nghiệm ở Phúc Sen cho biết, khi tôi thép, người thợ chỉ nhúng vật đang rèn xuống nước trong thời gian rất ngắn, chỉ 1 đến 2 giây, nếu nhúng quá lâu, thép sẽ bị hỏng. Đối với từng loại thép, người thợ sẽ nhìn ánh thép màu xanh, trắng hoặc vàng để biết được độ già hoặc non của thép mà có cách tôi cho phù hợp. Tôi thép như thế nào, đó là kỹ thuật gia truyền của từng dòng họ, chỉ truyền cho con trai, người ngoài không thể biết.
Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân Phúc Sen đã cải tiến một số khâu sản xuất để giảm sức lao động như: Sử dụng máy dập thay cho quai búa, máy mài, máy tạo khuân.. Tuy nhiên, những công đoạn quan trọng nhất vẫn phải làm thủ công.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nghề rèn vẫn được đồng bào Nùng An ở Phúc Sen gìn giữ, phát triển. Có thể nói, nghề rèn đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân Phúc Sen, góp phần quan trọng tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở xã. Đồng thời, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua nghề rèn truyền thống ở nơi đây cũng tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm Cao Bằng.