Ông Y Khiă Byă, chủ lễ cúng cho biết, Lễ cúng sức khỏe cho voi thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết và lòng yêu thương, quý trọng của người M’Nông đối với voi. Đây cũng là dịp để con người tạ ơn thần linh, cảm ơn những chú voi đã giúp đỡ cho chủ voi và buôn làng, đồng thời mong voi luôn có sức khỏe để phục vụ và gắn bó với con người.
Trong lễ cúng, thầy cúng gọi mời Giàng, các vị thần núi, thần sông, thần voi…về chứng kiến và ban phát sức khỏe cho voi, cầu mong cho voi luôn được khỏe mạnh, hợp tác, giúp đỡ chủ nhà trong những công việc quan trọng. Các nài voi cũng được cúng sức khỏe, con voi nào được cúng, nài voi cũng được ban rượu, thịt và thực hiện nghi lễ cúng với ý nghĩa cam kết thương yêu voi như người bạn, chăm sóc cho voi luôn khỏe mạnh.
Theo bà H’Đa Nê Byă, Bí thư Chi bộ buôn Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cúng sức khỏe cho voi là phong tục truyền thống lâu đời của các dân tộc trên cao nguyên Đắk Lắk. Đây là nét độc đáo lôi cuốn người dân và khách du lịch tìm hiểu về văn hóa voi ở Buôn Đôn, hiểu biết thêm về vai trò của voi trong đời sống, sự trân trọng của người M’Nông dành cho loài vật hiện thân của sức mạnh, quyền uy và sự giàu có.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, du khách từ thành phố Cần Thơ cho biết, đây là lần đầu tiên được nhìn thấy voi và chứng kiến lễ cúng sức khỏe cho loài voi. Cúng sức khỏe cho voi là một nét văn hóa độc đáo, tạo ấn tượng mạnh đối với du khách về mối quan hệ đặc biệt giữa voi và con người. Hy vọng người dân bản địa sẽ duy trì, phát huy nét đẹp văn hóa này và nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn đàn voi nhà.
Cùng ngày, Lễ cúng bến nước của người M’Nông cũng diễn ra tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn. Qua nghi lễ này, người M’Nông tạ ơn thần nước đầu nguồn, các vị thần núi, thần sông… và cầu mong nước sạch, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, mạnh khỏe và mọi điều tốt lành cho buôn làng.