Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô, bài bản nhằm phục dựng, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc La Chí nói riêng và các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện nói chung.
Cùng với Lễ mừng cơm mới, còn có hàng loạt các hoạt động như tổ chức cắt lúa, rước hồn lúa về nhà, đồ lúa, sấy lúa để làm cốm, xôi dâng cúng tổ tiên. Cùng với đó các hoạt động vui chơi giải trí như ném còn giao duyên, đu quay… cũng được tổ chức với sự tham dự của đông đảo người dân.
Ông Vương Văn Phô, thôn Lùng Vi, xã Nà Khương, huyện Quang Bình (Hà Giang) chia sẻ, năm nào cũng vậy, để chuẩn bị cho Lễ mừng cơm mới, từ hôm trước, gia đình ông đã lau dọn bàn thờ, chuẩn bị lễ vật cúng. Đặc biệt trong lễ vật cúng không thể thiếu cá hoặc thịt chuột, thảo quả... “Sáng nay, từ sớm tinh mơ những người phụ nữ trong gia đình La Chí đi cắt lúa về để giã, đồ xôi, làm cốm dâng lên tổ tiên. Sau khi dâng tổ tiên xong rồi mới được ăn”, ông Phô chia sẻ.
Bà Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết, việc phục dựng Lễ mừng cơm mới nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc La Chí. Huyện Quang Bình cũng đã chỉ đạo các thôn bản, đơn vị trường học phải gìn giữ tiếng nói, chữ viết cũng như phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào La Chí, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Quang Bình.
Hàng năm, cứ vào độ cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, khi vụ lúa mùa chín rộ trên khắp các nương đồi, cũng là lúc cộng đồng người La Chí ở huyện Quang Bình tổ chức dâng cúng cơm mới với tổ tiên. Theo phong tục của người La Chí, lễ dâng cúng cơm mới có ý nghĩa báo cáo với tổ tiên, hiếu lễ trên dưới, đồng thời cầu mong cho vụ lúa năm sau được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và bình an đến với mọi người.