Người lưu giữ những báu vật của buôn làng

Trước sự săn lùng ráo riết của nhiều thương lái, những bộ chiêng cổ, ché cổ ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, ở làng Chốt, thị trấn Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy (Kon Tum) vẫn còn một người miệt mài gìn giữ những bộ cổ vật quý báu.

Với ông, những bộ chiêng cổ, ché cổ như là “vật chứng sống” tượng trưng cho sự trường tồn của buôn làng trước những thay đổi của nhịp sống mới. Ông chính là già A Ram, người giữ nhiều chiêng ché nhất làng Chốt. 

Gặp già A Ram giữa cơn mưa cuối mùa ẩm ướt nhưng trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của già vẫn sáng bừng màu thời gian của những bộ chiêng, ché cổ. Lưu giữ được khối “tài sản vô giá” này là cả một chặng đường dài với bao vất vả, gian truân của già A Ram. Già kể lại, vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, có đến ba lần già A Ram cùng với bà con dân làng Chốt phải dời làng đi nơi khác. Mỗi lần như thế, già A Ram phải vất vả lắm mới giữ được những bộ chiêng, ché (ghè) cổ do cha mẹ để lại. 

Ngoài hai bộ chiêng và hai chiếc ché cổ quý do cha mẹ để lại, già A Ram đã sưu tầm thêm 3 bộ chiêng, 11 chiếc ché cổ. Mỗi ngày, các “bảo vật” được ông lau chùi cẩn than, luôn sáng bóng. Những bộ chiêng cổ như: chiêng Pát, chiêng Bom, chiêng Lào, chiêng Honh, chiêng Doanh (mỗi bộ chiêng gồm 12 chiếc) được già bảo quản cẩn thận và xem như là vật báu của già. 

Chiêng Pát, một trong 5 bộ chiêng quý nhất của già A Ram. Ảnh: baokontum.com.vn

Về ché, già A Ram có rất nhiều loại ché cổ khác nhau, trong đó có 3 ché Brông (Brông La, Brông Dăng, Brông Phui), 1 ché Klan Dông, 4 ché Chẽ Lup, 4 ché Htôc, 1 ché Tcan. Mỗi ché có màu sắc khác nhau với hoa văn độc đáo. 

“Xưa nay, cồng chiêng, ché là những vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc và là nơi trú ngụ của thần linh để che chở, phù hộ cho mỗi gia đình, dòng họ. Vì vậy, những vật này như là đứa con tinh thần của mình, ngày ngày được ngắm chúng, lau chùi là niềm hạnh phúc của mình” già A Ram tâm sự. 

Vừa kỳ công lưu giữ những bộ chiêng, ché cổ, với uy tín của mình, già A Ram còn vận động dân làng không được mua bán, trao đổi cồng chiêng, ché cổ. Hiện, làng Chốt còn lưu giữ hơn 50 bộ cồng chiêng thường xuyên sử dụng vào các dịp lễ hội của làng và mang đi biểu diễn các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. 

Già A Ram cũng là người dạy dân làng đánh cồng chiêng. Hiện, làng Chốt có 50 người từ 45 tuổi trở lên biết đánh cồng chiêng; ở độ tuổi thanh niên có khoảng 40 người; thiếu niên có hơn chục em. Đặc biệt, làng Chốt còn có đội cồng chiêng chuyên đi biểu diễn các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh. 

Ngoài ra, già A Ram còn được biết đến là người đan lát đẹp và giỏi nhất làng Chốt. Chỉ cần nhìn những chiếc vỏ bọc những chiếc chiêng, ché hay những chiếc gùi cao cả mét được làm bằng chất liệu mây chứa đựng các vật dụng sinh hoạt hàng ngày được xếp ngay ngắn trong gia đình sẽ thấy được bàn tay khéo léo của già A Ram. 

Nhiều năm nay, già A Ram còn được bầu là Chi trưởng Chi hội người cao tuổi, Tổ trưởng tổ hòa giải của thôn. Mỗi khi dân làng có xích mích, nhờ tiếng nói của già A Ram, mọi chuyện đều được hóa giải thành công. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, ông tích cực vận động các hội viên của mình phải nêu gương sáng, truyền nghề cho con cháu để giữ nét văn hóa truyền thống cha ông để lại. 

Hiện nay, dù đã 76 tuổi nhưng già A Ram vẫn tích cực làm nương rẫy, phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, gia đình ông có 13 ha mì, 1 ha cao su, 1 ha bời lời, 1 ha lúa, 3 con bò, 4 con trâu. Già A Ram cũng là người đầu tiên ở làng Chốt phát triển chăn nuôi có chuồng trại để làm gương cho bà con dân làng cùng noi theo.


Quang Thái (TTXVN)
Già làng ở thung lũng Pơ Ning
Già làng ở thung lũng Pơ Ning

Là người hùng thời chiến, già làng Cơ Lâu Năm (81 tuổi, thôn Pơ’Ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đến thời bình tiếp tục đem tài năng và tâm huyết của mình dựng xây làng bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN