Tục sinh đẻ và đặt tên của người La Hủ

Với người La Hủ, việc sinh đẻ và đặt tên cho trẻ sơ sinh rất quan trọng, vì không chỉ ý nghĩa đối với đứa bé sinh ra, mà còn ảnh hưởng tốt hay xấu đến các thành viên trong gia đình. Vì vậy, người phụ nữ từ khi trở dạ cho đến lúc sinh con, đặt tên cho đứa trẻ phải tuân thủ tục lệ và những kiêng kị.


Sản phụ khi trở dạ phải nằm trong buồng ngủ, mọi sinh hoạt đều được các thành viên phụ nữ trong nhà giúp đỡ. Người trong nhà chuẩn bị mọi thứ và đi nhờ bà đỡ đẻ (cũng có trường hợp gia đình tự đỡ đẻ, hay người đó dễ đẻ không phải đỡ). Người La Hủ quan niệm: Nếu sản phụ đi ra ngoài, hồn xấu hổ bỏ đi, khi sinh người đó sẽ chết. Trong thời gian sản phụ trở dạ và sau khi sinh xong cần kiêng không cho người lạ vào thăm sản phụ và đứa trẻ. Người nhà lấy cành lá xanh treo trước cửa, vừa báo hiệu cho mọi người biết, vừa xua đuổi tà ma. Người nào vô tình không biết, vào thăm thì phải buộc chỉ cổ tay cho sản phụ cầu chúc mẹ tròn con vuông và sức khỏe.

Do nhận thức thấp, đời sống khó khăn, nên thai phụ người La Hủ không có thời gian nghỉ dưỡng thai, kể cả mới sinh xong vẫn phải đi nương, làm việc nặng nhọc.

Đứa trẻ sinh ra, bà đỡ dùng dao cật (thanh nứa bằng ngón tay được vót mỏng) để cắt nhau thai. Nhau thai cắt ra, mang chôn ngay trong nhà, gần bếp nấu. Sau đó, dùng nước đun sôi pha ấm và tắm cho đứa trẻ, rồi duỗi tay trẻ sơ sinh thẳng hai bên sườn, quấn chặt tã và chăn giữ ấm. Theo quan niệm của người La Hủ, đứa trẻ được mặc quần áo cũ của đứa trẻ khác sẽ được mạnh khỏe; lấy quần áo của bố mẹ làm tã lót, chăn thì trẻ sẽ luôn được che chở, đùm bọc. Gia đình chuẩn bị một quả trứng gà luộc chín cho mẹ ăn lấy lại sức khỏe, rồi nấu cơm để sản phụ ăn bình thường.

Người phụ nữ sinh xong, ngày sau người chồng phải lấy tre, nứa… làm nơi nằm cho hai mẹ con trong buồng, cạnh nơi ngủ cũ. Tuyệt đối không được nằm trên giường của hai vợ chồng, vì người vợ chưa được sạch sẽ, làm ảnh hưởng tới chồng. Mọi đồ dùng của sản phụ phải dùng riêng, tránh lây bẩn sang người nhà và các thành viên khác cũng giữ sạch sẽ cho cả hai mẹ con. Trong thời gian mang bầu, người phụ nữ không ăn thịt con chuột, con cầy, con sóc, vì nó bẩn và có mùi hôi, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thai nhi trong bụng mẹ. Lúc đẻ, tuyệt đối không cho đàn ông vào buồng đẻ (kể cả chồng), sau khi tắm rửa cho trẻ sơ sinh xong thì chồng mới được vào. Trong gia đình thì, chỉ các phụ nữ mới được vào buồng để chăm sóc cho người đẻ. Khi tên của đứa trẻ đặt rồi thì người ngoài mới được vào thăm người đẻ. Bất kể mùa đông, hay mùa hè, khi người phụ nữ đẻ phải đốt lửa trong buồng ngủ của người đó để giữ ấm cho sản phụ và đứa trẻ mới sinh ra, và để máu trong cơ thể sẽ dễ lưu thông hơn. Mặt khác, cũng kiêng kị không cho mang củi và lửa trong buồng ra ngoài, nếu không thì đứa trẻ sẽ khóc. Vợ chồng kiêng không ngủ chung và quan hệ trong vòng 5 tuần (hơn hai tháng tính theo tuần người La Hủ).

Sau 3 - 4 tháng, nếu đứa trẻ hay khóc, ốm yếu, ít ngủ, có thể tổ chức đặt tên lại; lên 4 - 5 tuổi, nếu chậm lớn, biếng ăn thì bố mẹ có thể thay tên khác. Người đặt tên sau không phải là người đặt tên lần trước.

Đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời được 3 ngày, gia đình phải làm lễ cúng tổ tiên để đặt tên cho đứa trẻ. Tên đứa trẻ có thể là đặt theo ngày đẻ. Ví dụ, đứa trẻ ấy sinh vào ngày con trâu và là con gái thì đặt tên là Nhù Pơ (Nhù: con trâu; còn Pơ là tên thường gọi cho người con gái). Còn đứa trẻ ấy cũng sinh vào ngày con trâu mà là con trai thì đặt tên là Nhù Hừ (Nhù: con trâu; còn Hừ là tên thường gọi cho người con trai).

Người La Hủ quan niệm phải thương yêu và vỗ về đứa trẻ, tuyệt đối không được đánh đập nó, vì lo sợ hồn bỏ đi, đứa trẻ sẽ ốm yếu, sinh bệnh tật.

Một số gia đình mượn thầy cúng, hoặc những người già biết cúng bái trong bản đặt tên. Vì thầy cúng biết xua đuổi tà ma, nếu nhờ thầy cúng đặt tên thì đứa trẻ ấy sẽ tránh được con ma quấy nhiễu và đứa trẻ sẽ mạnh khỏe, mau lớn. Trường hợp này thì tên của đứa trẻ lại mang tên thầy cúng. Ví dụ, nếu đứa trẻ là con trai thì đặt tên là Phí Xè (Phí là chỉ ông thầy cúng; còn Xè là thuộc những từ chỉ gọi con trai); nếu đứa trẻ là con gái thì đặt là Phí Nu (Phí cũng là chỉ thầy cũng; còn Nu là tên thường gọi của người phụ nữ).

Xong nghi lễ đặt tên, mọi người tham dự lần lượt đến buộc chỉ vào tay của sản phụ và đứa trẻ để chúc mừng, cầu sức khỏe cho họ. Kể từ đó, đứa trẻ chính thức là thành viên của gia đình và được hưởng những quyền lợi như các thành viên khác.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Tục lệ cúng xuồng, ghe Nam Bộ
Tục lệ cúng xuồng, ghe Nam Bộ

Người dân Nam Bộ xưa đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt cộng đồng chủ yếu bằng phương tiện thủy như: xuồng, ghe. Các phương tiện này có nhiều trọng tải, kích cỡ và cách đóng cũng đa dạng về chất liệu gỗ, thiết kế tùy thuộc vào sở thích của chủ nhân...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN