Chọn cho mình một ngành nghề yêu thích cũng là chọn hướng đi phù hợp trong tương lai. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Theo Vụ phó Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành, thực tế cho thấy, quy định cộng điểm khuyến khích là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng cuộc thi ở địa phương, gây áp lực cho học sinh và không nhận được sự đồng tình của xã hội. Bộ dự kiến bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh Trung học phổ thông (THPT) nhằm thực hiện chủ trương tinh giản các cuộc thi.
"Việc không giao cho các Sở GD-ĐT quy định đối tượng cộng điểm khuyến khích, trong đó bao gồm cả việc thi nghề phổ thông nhằm đảm bảo mục tiêu chọn được đúng học sinh có khả năng tiếp tục học ở cấp THPT. Đây cũng là cách khắc phục hiện tượng làm đẹp hồ sơ, khiến nhiều học sinh chạy theo điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế chỉ mang tính hình thức, không thực chất", ông Thành nói.
Dù không còn điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 nhưng theo ông Thành, kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp THCS theo Quy chế hiện hành. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích học sinh học nghề phổ thông, góp phần thực hiện chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.
Việc bỏ cộng điểm nghề vào tuyển sinh lớp 10 THPT cũng đang nhận được rất nhiều ý kiến của các thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục.
Chia sẻ về vấn đề trên, thầy Bùi Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT chuyên Thái Bình (TP Thái Bình, Thái Bình) cho rằng, đây là điều nên làm dù với những trường chuyên như trường THPT chuyên Thái Bình, điểm cộng khuyến khích không thực sự có nhiều ý nghĩa. Ở mặt bằng chung, việc cộng điểm nghề lại gây ra hệ quả là học sinh lớp 9 học nghề chỉ để có điểm là chính, chứ không phải vì mục tiêu học để biết một nghề nào đó. Dẫn đến việc học nghề chỉ mang tính hình thức. Chưa kể việc thi để đạt nghề loại khá, giỏi khá dễ dàng, dễ khiến học sinh chủ quan, có suy nghĩ không đúng về tính nghiêm túc, nghiêm khắc của các cuộc thi.
Cũng theo thầy Tuấn Anh, quy định này cần phải có kế hoạch, định hướng áp dụng vào thời điểm bắt đầu năm học mới để các nhà trường và phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh cũng cho rằng, việc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý nhằm tạo sự công bằng cho học sinh trong học tập cũng như thi cử. Theo đó, chất lượng học sinh vào lớp 10 sẽ thực chất hơn.
Việc dạy nghề cho học sinh ở bậc THCS còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn hình thức nên không tạo được động lực cho học sinh trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, nhiều học sinh chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Điều này khiến cho việc thi nghề không còn ý nghĩa như mục tiêu ban đầu.
Ông Tuế cũng cho rằng, không còn điểm cộng thi nghề, các em sẽ nỗ lực trong học tập hơn. Vì thế ông Tuế rất đồng tình với dự thảo quy định bỏ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 như Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Theo dự kiến, ngày 18/2 tới sẽ kết thúc lấy ý kiến dư luận, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện dự thảo thông tư và ban hành chính thức.