Nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới và giải pháp về cơ chế, chính sách cũng như kết nối với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận.
Tọa đàm cũng nhằm kết nối các nhà quản lý của các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học khối nông lâm ngư toàn quốc, các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư, khởi nghiệp từ nông nghiệp và các em học sinh, sinh viên yêu nông nghiệp cùng chung sức chung lòng xây dựng đất nước hướng tới nền “Nông nghiệp thịnh vượng - Nông dân giàu có - Nông thôn văn minh”.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không chỉ có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải được trang bị kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện.
Việt Nam mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhưng nguồn nhân lực trong nông nghiệp với tỷ trọng khoảng 46% chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là cần thiết, một số ý kiến cho rằng, phải nhận thức rõ sự ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Muốn vậy, cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp để thích ứng với sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đảm bảo nền nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, buổi tọa đàm là một diễn đàn mở để các nhà hoạch định chính sách, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trao đổi và tìm ra các giải pháp, cơ chế chính sách để gắn kết cung - cầu trong đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ cao; đề xuất cụ thế về mô hình hợp tác doanh nghiệp - nhà trường hiệu quả; đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên lề Toạ đàm có hoạt động triển lãm và giới thiệu thành tựu nổi bật về đào tạo và các sản phẩm khoa học của các trường đại học; đồng thời có sự tham gia của 100 doanh nghiệp tuyển dụng với khoảng 4.000 cơ hội việc làm trong Ngày hội việc làm thường niên do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hết sức cần thiết, điều này mang lợi lợi ích cho cả cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cho sinh viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đối với sinh viên sẽ có thêm cơ hội thực hành và nâng cao tay nghề và học tập những kiến thức trải nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sinh viên thực tập tại doanh nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường nâng cao được kỹ năng thực tập và tự tin hơn trong quá trình lập nghiệp, mở rộng hơn về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp luôn là khâu đột phá và là trụ đỡ, đồng thời là ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò rất quan trọng. Điều này mang tính quyết định đến sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
“Gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là xu thế tất yếu khách quan để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ mới” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo. Học viện nông nghiệp Việt Nam và các cơ sở giáo dục Đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông, lâm ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cần sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới. Tìm ra mô hình đào tạo nhân lực hiệu quả nhất, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực diễn ra sâu rộng, đòi hỏi việc đào tạo nhân lực trình độ cao cần có nhiều đổi mới. Đặc biệt là đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với các nông trại, trang trại tạo chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, tiêu thụ…
Ngay sau tọa đàm, đã có gần 30 biên bản thoả thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ sở giáo dục Đại học và các doanh nghiệp trong đào tạo và đào tạo bổ sung nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao.